Suy giảm dân số - Bài toán khó đối với nhiều quốc gia châu Á

03/03/2023 | 05:44 GMT+7

Nhiều quốc gia châu Á đã và đang đối mặt với thách thức giảm dân số và đang loay hoay tìm giải pháp khả thi nhằm cải thiện vấn đề bức xúc này.

Trẻ sơ sinh tại Nhật Bản. Nguồn: Nikkei

Trong khi dân số thế giới vẫn đang trên đà tăng và chạm mốc 8 tỉ người thì nhiều quốc gia châu Á lại phải loay hoay tìm giải pháp để cải thiện tỷ lệ sinh thấp, chặn đà suy giảm dân số, yếu tố vốn đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, sau hàng chục năm tăng mạnh, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1961. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tính đến cuối năm 2022, dân số nước này là 1,41175 tỉ người, giảm 850.000 người so với năm 2021. Tỷ lệ sinh trung bình năm ngoái là 6,77/1.000 người, mức thấp kỷ lục tại Trung Quốc.

Nguyên nhân chính của dân số giảm là do Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách một con kéo dài đã giúp kích thích sự bùng nổ kinh tế, nhưng cũng đồng thời dẫn đến tỷ suất sinh thấp và dân số già đi. Dù Trung Quốc sau đó đã chấm dứt chính sách này, song mức sống đắt đỏ, chi phí giáo dục và y tế tăng lên khiến giới trẻ có xu hướng lập gia đình trễ.

Trong khi đó, năm 2022 là năm thứ 11 liên tiếp dân số Nhật Bản giảm, đồng thời đánh dấu một cột mốc đáng báo động khi số trẻ sơ sinh được sinh ra lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1890, thời điểm các số liệu bắt đầu được lưu trữ, giảm xuống dưới ngưỡng 800.000 trẻ.

Dữ liệu cơ quan thống kê Hàn Quốc cho thấy có 249.000 trẻ được sinh ra vào năm ngoái, giảm 4,4% so với mức thấp kỷ lục năm 2021. Tỷ suất sinh (số con sinh bình quân của một người phụ nữ trong suốt cuộc đời) là 0,78, mức thấp nhất kể từ năm 1970 khi số liệu bắt đầu được thống kê.

Giới chuyên gia cho rằng thực trạng này xuất phát từ chi phí nuôi con cao, bất bình đẳng giới, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong công việc và xã hội, tư tưởng về hôn nhân và gia đình thay đổi, tăng trưởng kinh tế chậm trong bối cảnh dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị khiến nhiều gia đình thận trọng trong việc sinh con.

Kết quả cuộc khảo sát trên mạng do Quỹ Nippon thực hiện tại Nhật Bản tháng 12-2022 cho thấy gánh nặng kinh tế và khó khăn trong việc cân đối với công việc hiện tại là trở ngại lớn đối với kế hoạch sinh con của nhiều cặp vợ chồng nước này. Đặc biệt, thách thức làm việc từ xa, đại dịch Covid-19 đã làm giảm tỷ lệ sinh ở nhiều quốc gia. Lạm phát đã làm cạn kiệt khả năng chi tiêu của người dân trên toàn cầu và cuộc xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh ở nhiều nước khi khiến giá nhiên liệu tăng vọt ở châu Á, cùng nhiều rủi ro địa chính trị khác. Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng cảm thấy bất an nếu sinh con.

Tình trạng giảm dân số và dân số già sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề cả về phương diện kinh tế và xã hội, khi làm thiếu hụt nguồn nhân lực, tăng chi phí trợ cấp xã hội, giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Dân số già hóa sẽ khiến nguồn chi cho lương hưu, y tế, chăm sóc sức khỏe và các bảo hiểm xã hội khác tăng nhanh. Giảm dân số cũng dẫn đến giảm số người lao động có khả năng gánh vác hệ thống bảo hiểm xã hội, khiến lương hưu giảm theo, gây khó khăn cho việc duy trì hệ thống hưu trí.

Trước thách thức trên, nhiều quốc gia đã nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm chặn đà giảm của tỷ lệ sinh. Khuyến khích nam giới tham gia nuôi dạy con cái và tạo điều kiện để phụ nữ quay lại làm việc sau khi sinh. Các nhà phân tích tin rằng tập trung vào lợi ích của cha mẹ là chưa đủ, chính phủ các nước cần đầu tư vào sức khỏe cộng đồng và chuẩn bị sẵn sàng cho những sự cố tiếp theo như đại dịch, bảo vệ công dân khỏi những biến động kinh tế để thúc đẩy tỷ lệ sinh.

Trước mắt, để đối phó với vấn đề thiếu hụt lao động và giảm gánh nặng an sinh xã hội, nhiều nước tăng cường thu hút lao động nhập cư, kéo dài thời gian sử dụng lao động đã đến tuổi nghỉ hưu...

Giới chuyên môn cho rằng, cho dù có áp dụng biện pháp nào đi nữa các quốc gia châu Á cũng không tránh khỏi tác động từ suy giảm dân số. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi cần có giải pháp căn cơ mang tính lâu dài của từng quốc gia.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>