Tạm dừng thương chiến Mỹ – Trung

24/12/2019 | 08:48 GMT+7

Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, giúp tạm dừng cuộc chiến thương mại đã kéo dài suốt 18 tháng qua.

Tổng thống Donald Trump (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong một lần gặp. Ảnh: AFP

Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ giảm thuế quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc để đổi lại Bắc Kinh sẽ mua khoảng 20 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchincho biết, thỏa thuận đã được dịch và sẽ được ký vào đầu tháng 1 tới.

Thỏa thuận giai đoạn một không hoàn thành mọi đề mục mà ông Trump đặt ra trong mục tiêu thiết lập lại quan hệ thương mại với Trung Quốc. Song ông và đội ngũ của mình đã không ngừng nhấn mạnh rằng đây là bằng chứng cho thấy chính quyền vẫn nỗ lực để giữ lời hứa từ chiến dịch tranh cử, bất chấp những sức ép luận tội từ phía đảng Dân chủ.

Còn với Trung Quốc, năm 2020 là một năm quan trọng để Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập trong thập niên 2010-2020. Một số nguồn tin cho hay, Trung Quốc có kế hoạch hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống khoảng 6% trong năm 2020 so với mức 6-6,5% của năm nay, dựa vào tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng để tránh sự sụt giảm mạnh hơn của nền kinh tế. Con số 6% là vừa đủ để đáp ứng mục tiêu về GDP của Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, một thỏa thuận với Washington không chỉ giúp vực dậy niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc, mà còn tạo ra quãng thời gian nghỉ cần thiết, để giới chức nước này tiếp tục tiến hành các cải cách và mở cửa thị trường.

Sự hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng được coi là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy đà hồi phục của kinh tế thế giới trong năm 2020, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm. Morgan Stanley dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ là 3,2% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021. Còn theo Goldman Sachs, đà giảm tốc bắt đầu từ đầu năm 2018 sẽ sớm chấm dứt, nhường chỗ cho tốc độ tăng trưởng 3,4% trong năm 2020, trước khi tăng dần trong những năm kế tiếp.

Thế nhưng xét về mặt dài hạn, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc còn rất lớn và không chỉ là xung đột về mặt cán cân thương mại. Trên thực tế, nội dung thỏa thuận giai đoạn 1 đã có phần mở rộng liên quan tới một số vấn đề quan trọng như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, dịch vụ tài chính… nhưng vẫn chưa bao gồm những vấn đề lớn nhất. Đó là sự thay đổi chính về mặt cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có vấn đề nan giải như chính sách trợ cấp doanh nghiệp nội địa mà ông Trump muốn thực hiện bằng được.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Ben Powell - chiến lược gia về đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Viện nghiên cứu Đầu tư BlackRock cho biết, sẽ là hợp lý khi tin rằng, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tạm hài lòng với một thỏa thuận có “phạm vi rất hẹp” trong năm 2020, quãng thời gian mà cả hai nước đều không muốn có những xáo trộn lớn. Ông nhận xét mâu thuẫn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới “mang tính cấu trúc và sẽ kéo dài trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ”.

Nhiều chuyên gia dự đoán, những rủi ro căng thẳng thương mại có thể nhanh chóng gia tăng sau khi cuộc bầu cử 2020 ngã ngũ. Một thắng lợi dành cho Tổng thống Trump sẽ giúp ông có đủ lợi thế để làm bất cứ điều gì mình muốn. Thậm chí, chuyên gia kinh tế trưởng Charles Dumas tại Công ty nghiên cứu TS Lombard còn cho rằng, cho dù cuộc bầu cử Tổng thống 2020 có kết quả như thế nào đi chăng nữa, căng thẳng thương mại vẫn sẽ leo thang. “Nếu ông Trump giành chiến thắng, chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục gia tăng, một điều đáng lo ngại cho thị trường. Nhưng ngay cả khi ông Trump thất bại và một ứng viên Dân chủ lên nắm quyền, người đó nhiều khả năng cũng sẽ thực hiện những chính sách đối với Trung Quốc tương tự như những gì ông Trump đã làm”.

 NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>