Thảm họa hạt nhân nếu xung đột với Triều Tiên

01/06/2017 | 08:08 GMT+7

Mỹ cho rằng Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp với quốc gia này, tuy nhiên nếu xung đột xảy ra thì hậu quả khó lường và có nhiều khả năng sẽ dẫn đến một thảm họa hạt nhân nên rất dè dặt trong xử lý.

Tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 được phóng thử từ vùng Pukchang thuộc một tỉnh miền Tây Triều Tiên. Nguồn: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng, Triều Tiên không chỉ là mối đe dọa trực tiếp với Mỹ mà còn là nỗi lo đối với tất cả các nước trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo, nếu xung đột xảy ra tại Triều Tiên có thể là “cuộc chiến tồi tệ nhất”, nếu không thể giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao.

Thực tế cho thấy, kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1 đến nay, Triều Tiên đã tăng cường chương trình thử tên lửa đạn đạo của nước này. Từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã 7 lần thử tên lửa đạn đạo. Đặc biệt gần đây nhất chỉ trong vòng một tuần, Bình Nhưỡng đã thử tên lửa đạn đạo đến hai lần. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) mới đây cho biết, nếu không ngăn chặn kịp thời, việc Triều Tiên sở hữu tên lửa hạt nhân bắn đến lục địa Mỹ hoàn toàn có thể xảy ra. Theo Giám đốc DIA, Trung tướng Vincent Stewart, một cuộc tấn công rất có thể sẽ xảy ra sau cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây do Bình Nhưỡng tiến hành. Ông cảnh báo, nếu Triều Tiên tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, mục tiêu của họ cuối cùng chắc chắn sẽ thành hiện thực.

Trước mối đe dọa ngày càng gia tăng của Triều Tiên, mới đây quân đội Mỹ thử nghiệm thành công đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Theo Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA), đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ thử đánh chặn một ICBM. Các lần thử trước đây chỉ đánh chặn tên lửa tầm trung. Thông báo của MDA cho biết cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra hoạt động của Hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất (GMD). Hệ thống này cũng từng được kiểm tra nhiều lần và lần thử gần đây nhất vào năm 2014 đã thành công. Công nghệ liên quan GMD hết sức phức tạp, và hệ thống này sử dụng các thiết bị cảm ứng triển khai trên toàn cầu để phát hiện và theo dõi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo. Việc thử nghiệm thành công lần này sẽ chứng tỏ rằng Mỹ có khả năng phòng thủ trên mặt đất hiệu quả chống lại ICBM.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) và lên án của các quốc gia liên quan, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này sở hữu tên lửa có khả năng tiếp cận tới Mỹ. Đồng thời, ông Kim Jong-un cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và xem đây như một biện pháp tự vệ chính đáng trước mối đe dọa từ Mỹ và các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho biết chính phủ mới của ông sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của các lệnh trừng phạt quốc tế hiện nay cũng là nhằm kéo Triều Tiên quay lại các cuộc hòa đàm.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Cố vấn an ninh hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Shotaro Yachi cũng đã kêu gọi Trung Quốc nỗ lực kiềm chế các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Theo Ngoại trưởng Kishida, Nhật Bản và Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng áp lực đối với Triều Tiên ở thời điểm hiện nay, trong đó “vai trò của Trung Quốc mang tính quyết định”.

Như vậy, cùng với các giải pháp gia tăng lệnh trừng phạt, kêu gọi đàm phán, các quốc gia liên quan đang đặt nhiều kỳ vọng Trung Quốc sẽ làm trung gian giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có chuyển biến nào đáng kể. Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định  quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên rất rõ ràng và nhất quán là “luôn kiên trì một giải pháp chính trị thông qua các biện pháp hòa bình”.

Trong bối cảnh một bên là Triều Tiên với quyết tâm phát triển chương trình tên lửa cao độ gắn với vũ khí hạt nhân, một bên là Mỹ - Nhật - Hàn đang tìm mọi cách trừng phạt, răn đe cứng rắn khi các nỗ lực đàm phán trung gian của Trung Quốc và Nga không hiệu quả, nhiều nhà quan sát lo ngại tình hình bán đảo Triều Tiên có thể ngày một xấu đi, thậm chí dẫn tới một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp. Nếu tình huống xấu này xảy ra thì hậu quả sẽ khó lường, nhất là nguy cơ một thảm họa xung đột hạt nhân. Một giải pháp đàm phán hòa bình giữa các bên liên quan là mong muốn của người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>