Thật hay giả Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên ?

18/08/2017 | 07:47 GMT+7

Dư luận khá bất ngờ khi Mỹ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên trong khi thời gian gần đây cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều “khẩu chiến” đối địch lẫn nhau.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thông tin Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố tạm hoãn kế hoạch phóng tên lửa nhằm vào vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Tillerson cũng nhấn mạnh thời điểm bắt đầu đàm phán sẽ phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trước đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã đề nghị Triều Tiên phải cho thấy được nước này chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì đã hoãn quyết định tấn công vùng lãnh thổ Guam của Mỹ và ngừng leo thang căng thẳng giữa 2 nước. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump khẳng định: “Ông Kim Jong-un đã đưa ra một quyết định rất khôn ngoan và hợp lý. Lựa chọn khác sẽ là thảm họa và không thể chấp nhận được”.

Mặc dù hoãn tấn công đảo Guam nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ có động thái nếu Washington tiếp tục có “những hành động liều lĩnh”.

Thực chất của những tuyên bố trên là gì đang được dư luận đặc biệt quan tâm? Nhiều người tỏ ra hoài nghi không biết thật giả từ những chuyển biến đột ngột của ông Trump. Bởi lẽ, trước đó, vị tổng thống này từng dõng dạc tuyên bố: “Các giải pháp quân sự đã sẵn sàng. Súng đã lên nòng và sẵn sàng khai hỏa nếu Triều Tiên có những hành động khinh suất, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với “bão lửa và thịnh nộ” của Washington”. Sự hoài nghi này hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ trong không ít lần trong quan hệ ngoại giao, ông Trump có những phát biểu trước sau bất nhất.

Tuy nhiên, mới đây Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận định: “Có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng xung quanh vấn đề Triều Tiên đang “hạ nhiệt”, nhưng vẫn cần phối hợp để cơ bản giải quyết cuộc khủng hoảng này. Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, ông Vương Nghị nhấn mạnh: “Thông qua các nỗ lực của tất cả các bên, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng vẫn chưa vượt qua được “cuộc khủng hoảng tháng tám” nên các bên cần phối hợp để giải quyết”.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết nước này hiểu và ủng hộ kế hoạch “đóng băng kép” do Trung Quốc đề xuất nhằm giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông Gabriel nêu rõ: “Đức đánh giá cao vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đức hiểu và ủng hộ sáng kiến “đóng băng kép” mà Trung Quốc đề xuất”. Kịch bản “đóng băng kép” mà Trung Quốc đề xuất hồi tháng 6 được ông Gabriel đề cập đến chính là yêu cầu Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đổi lại Mỹ - Hàn ngừng các cuộc tập trận quân sự chung. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của Nga. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa đưa ra phản hồi chính thức về vấn đề này. Theo ông Gabriel, tất cả các bên cần cân nhắc mọi bài học trong quá khứ, để ngăn chặn cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên vượt ngoài tầm kiểm soát.

Mặc dù hoài nghi những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên nhưng những quốc gia liên quan đặc biệt là những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới lại mong muốn điều đó thành hiện thực. Bởi lẽ chỉ có đàm phán hòa bình là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất biến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thành hiện thực.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>