Thất vọng tại Hội nghị khí hậu

16/12/2019 | 18:23 GMT+7

Hội nghị khí hậu thế giới COP25 đã không thể nhất trí được về nhiều vấn đề, cả trong đàm phán kỹ thuật lẫn trong đàm phán chính trị.

Hội nghị khí hậu thế giới COP25 đã không nhất trí nhiều vấn đề.

Sau 2 tuần họp, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc lần thứ 25 về chống biến đổi khí hậu (COP25) vừa kết thúc tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, muộn hơn gần 2 ngày so với kế hoạch. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, hội nghị chỉ nhấn mạnh “nhu cầu khẩn cấp” phải hành động, mà không đạt được thỏa thuận về những điểm chính nhằm giải quyết tình hình khí hậu khẩn cấp hiện nay.

Từ nay tới Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 về chống biến đổi khí hậu tại Glasgow, Anh vào cuối năm sau, tất cả các nước sẽ phải trình lên bản sửa đổi các cam kết của mình. Tới thời điểm hiện nay, mới có khoảng 80 trên tổng số 190 nước tham gia làm được và tất cả những này cộng lại mới chỉ chiếm 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Điều đáng nói là các nước lớn gồm Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia và Mỹ vẫn phản đối việc phải tăng cường thêm những nỗ lực cấp thiết để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.

Hội nghị năm nay nhấn mạnh “Giờ là lúc hành động” nhưng văn bản cuối chỉ ở mức tối thiểu do đã bị lược bỏ những vấn đề gai góc nhất. Với bước lùi trong đàm phán năm nay, khó có thể hình dung làm thế nào để kịp áp dụng Thỏa thuận khí hậu Paris ký cuối năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020.

Bộ trưởng Môi trường Chile, Chủ tịch COP25 Carolina Schmidt thừa nhận: “Đây là Hội nghị khí hậu dài nhất trong lịch sử và tôi muốn cảm ơn các bạn vì đã đặt trái tim và nỗ lực vào việc tìm kiếm thỏa thuận với tất cả các bên. Thật đáng buồn khi chúng ta không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, song tôi cũng xin cảm ơn tất cả các bạn vì những nỗ lực thời gian qua”.

Trong khi những nỗ lực chống biến đổi khí hậu đang bất lực thì nguy cơ hệ thống khí hậu của Trái Đất bị đẩy vào thảm kịch trở thành “hành tinh nóng không thể sống nổi” là có thật. Giới khoa học trước đó cảnh báo, tốc độ tăng của nhiệt độ Trái Đất sẽ nhanh chóng tới ngưỡng không thể cứu vãn được nếu không giảm mạnh lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Năm 2019, thế giới liên tục trải qua những tháng nóng nhất trong lịch sử. Một tháng 6 nóng nhất trong vòng 140 năm, tiếp đến tháng 7, tháng 9, tháng 10 nóng nhất trong lịch sử Trái Đất với nhiệt độ tăng từ 0,5-1 độ C so với mức trung bình hàng năm.

Trong báo cáo gần đây do Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu, đã lên mức kỷ lục mới trong năm 2019. Trong một nghiên cứu mới, nhiều nhà khoa học nói rằng ngay cả khi các quốc gia giảm lượng khí thải CO2 đúng như Thỏa thuận Paris, nỗ lực vẫn là chưa đủ.

Họ cảnh báo thế giới có nguy cơ bước sang ngưỡng biến đổi khí hậu nguy hiểm, được gọi là trạng thái “hothouse”. Theo tài liệu nghiên cứu, nếu vượt ngưỡng “hothouse” thì nhiệt độ toàn cầu sẽ là cao nhất trong 1,2 triệu năm qua. Trạng thái này làm một số khu vực của Trái Đất không còn phù hợp để sinh sống. Mực nước biển được cảnh báo sẽ dâng cao từ 10-60cm so với hiện nay, đồng nghĩa với việc nhiều nơi sẽ bị nhấn chìm dưới nước.

Mỗi năm, các khu rừng, đại dương và đất của Trái Đất hấp thụ khoảng 4,5 tỉ tấn khí CO2. Nhưng khi nhiệt độ tăng quá 2 độ C, chúng sẽ trở thành nguồn xả CO2, làm cho vấn đề biến đổi khí hậu trầm trọng hơn. Khi điều này xảy ra, các hiệu ứng theo sau sẽ xảy ra theo hiệu ứng domino.

Không có những tuyên bố đanh thép trong Hội nghị COP25 từ những quốc gia lớn. Loài người đã chìm đắm trong “cuộc chiến” với chính hành tinh của mình trong nhiều thập niên qua và giờ là lúc Trái Đất đáp trả. Vì thế, loài người cần chấm dứt cuộc chiến này bởi biến đổi khí hậu giờ đây không chỉ đơn thuần là vấn đề dài hạn mà còn là cuộc khủng hoảng toàn cầu, nếu tiếp tục chậm trễ, chúng ta sẽ không thể quay đầu.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>