Thế giới đối mặt cái nóng chết người

19/08/2019 | 07:38 GMT+7

Thế giới vừa trải qua một tháng 7 nóng nhất trong vòng 140 năm qua, theo một nghiên cứu mới của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA).

Người lớn và trẻ em giải nhiệt ở TP.Boston, bang Massachusetts, Mỹ hôm 19-7. Ảnh: REUTERS

NOAA cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 7 qua là cao nhất so với bất kỳ tháng nào trong cơ sở dữ liệu được cơ quan này bắt đầu thu thập từ năm 1880. Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng rồi cao hơn 0,95 độ C so với mức trung bình của tháng 7 trong thế kỷ XX (15,8 độ C) và cao hơn 0,03 độ C so với kỷ lục nóng nhất của tháng 7-2016. Theo hãng tin AP, tháng 7-2019 cũng là tháng thứ 415 liên tiếp ghi nhận nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức trung bình của thế kỷ XX trong cơ sở dữ liệu của NOAA. Ngoài ra, 9 trong số 10 tháng 7 nóng nhất xảy ra từ năm 2005.

Một số khu vực ở Bắc Mỹ, Nam Á, miền Nam châu Phi, Bắc Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và các khu vực phía Tây và phía Bắc Thái Bình Dương có nhiệt độ tháng 7 cao kỷ lục. Hàng chục thành phố châu Âu trải qua thời tiết nóng kỷ lục trong tháng 7, trong đó có Paris - Pháp, Amsterdam - Hà Lan, Helsinki - Phần Lan… Bang Alaska - Mỹ cũng có một tháng 7 nóng nhất kể từ khi nơi này bắt đầu lưu trữ số liệu nhiệt độ từ năm 2005.

Cụ thể đợt nắng nóng kỷ lục vừa quét qua châu Âu trong tuần cuối tháng 7, với nhiệt kế nhiều nơi vượt mốc 40 độ C ở không ít quốc gia thuộc châu lục già. Cụ thể, Paris (Pháp) ghi nhận kỷ lục mới 42,6 độ C vào ngày 25-5; Gilzen-Rijen (Hà Lan) là 40,7 độ C; Lingen (Đức) 42,6 độ C; Begijnendijk (Bỉ) 41,8 độ C, theo chuyên trang AccWeather.

Thế nhưng, mức nhiệt độ này không thể nào so sánh với Nam Á, Trung Đông và vịnh Ba Tư, nơi người dân đang phải chịu đựng dưới cái nóng chết chóc lên đến 54 độ C. Đài France24 dẫn thông tin từ Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết Mitrabah (Kuwait) đạt mức nhiệt độ 54 độ C vào ngày 21-7, còn Basra của Iraq ghi nhận 53,9 độ C hôm 11-7.

Tháng 7 vừa qua không chỉ chứng kiến nhiệt độ trung bình cao kỷ lục mà còn những cột mốc đáng chú ý khác. Chẳng hạn như lượng băng biển ở Bắc Băng Dương thấp hơn gần 20% so với mức bình quân. Những dữ liệu mới nhất này có thể được các nhà khoa học sử dụng để nêu bật tác động tiêu cực của tình trạng toàn cầu ấm dần lên.

Nếu theo đà trên, những khu vực vừa đề cập sẽ nhanh chóng vắng bóng con người, theo nhà khoa học khí hậu, tiến sĩ Tom Matthews thuộc Đại học Loughborough (Anh): Khi nhiệt độ không khí vượt qua ngưỡng 35 độ C, cơ thể người dựa vào cơ chế đổ mồ hôi để giữ thân nhiệt ở mức an toàn. Tuy nhiên, vào thời điểm nhiệt độ “bầu ướt”, phản ánh khả năng hơi nước có thể bốc hơi, lên đến mức 35 độ C, cơ chế thoát nhiệt tự nhiên không còn hoạt động. Hậu quả là cơ thể người vô phương tự làm nguội để có thể sống sót trong vài giờ. “Không có phương tiện tản nhiệt, nhiệt độ nội tại của cơ thể tăng lên, bất chấp chúng ta uống nước nhiều đến cách mấy, hoặc luôn ở trong bóng râm, hoặc nghỉ ngơi nhiều đến mức có thể”, theo tiến sĩ. Đáng báo động là một số khu vực, thuộc những nơi đông dân cư nhất trên địa cầu, có thể vượt ngưỡng bầu ướt vào cuối thế kỷ này. Đã có chứng cứ cho thấy nhiệt độ bầu ướt đang diễn ra tại Tây Nam Á. Nếu có thể duy trì nguồn điện, con người vẫn có thể miễn cưỡng sống tại các khu vực đó, nhưng một khi cúp điện, hậu quả không thể tưởng nổi.

Trong báo cáo gần đây trên chuyên san Nature Climate Change, tiến sĩ Matthews và nhóm của ông đang tìm hiểu về khả năng xảy ra sự kiện tạm gọi là “thiên nga xám”, theo đó cái nóng khắc nghiệt đi cùng với tình trạng mất điện. Ở một số trường hợp, mất điện trên diện rộng thường là hậu quả theo sau những trận siêu bão khủng khiếp, như điều đã xảy ra tại Puerto Rico sau khi bão Maria hoành hành.

“Chúng tôi phát hiện trong lúc khí hậu ấm lên toàn cầu, sau những trận siêu bão thường là cái nóng nguy hiểm, và tổ hợp chết người này có thể xuất hiện mỗi năm nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ C”, tiến sĩ cho biết.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>