Thế giới lên án chiến lược hạt nhân mới của Mỹ

09/02/2018 | 10:14 GMT+7

Chiến lược vũ khí hạt nhân mới của Mỹ vừa công bố đã làm cho nhiều quốc gia trên thế giới cực lực phản đối và lên án.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), tên lửa Trieu Tiên, và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: YOUTUBE

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, quân đội Mỹ công bố một Báo cáo đánh giá về tình hình hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai. Các chuyên gia đều có chung nhận định, Báo cáo về tình hình hạt nhân (NPR) mới nhất của Mỹ đã phát đi cảnh báo như một lời răn đe với những quốc gia đối nghịch có phát triển vũ khí hạt nhân. Theo đó, điều mà NPR nhan mạnh cái gọi là “mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga”.

Mặc dù, bản báo cáo tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe của Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là vũ khí hạt nhân chiến thuật với đầu đạn hạt nhân có sức công phá thấp có thể được sử dụng không chỉ nhằm trả đũa, mà còn để tiến hành tấn công phủ đầu nhằm vào đối phương. Mặt khác, việc sử dụng các đầu đạn hạt nhân có sức công phá thấp nên giảm bớt tâm lý lo sợ vì gây ra thiệt hại ít nghiêm trọng hơn trong một vùng chiến tranh hạn chế so với các cuộc tấn công hạt nhân sử dụng các loại bom chiến lược có sức công phá lớn. Cụ thể Mỹ có thể đặt mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân mới với sức công phá từ 10 đến 20 kiloton (tương đương 10.000 đến 20.000 tấn TNT). Trong khi đó, các vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể phá hủy một thành phố hoặc một đất nước có sức công phá tương đương hàng trăm kiloton.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo chiến lược răn đe hạt nhân của Mỹ, vốn khởi phát từ thời Chiến tranh Lạnh, có thể không phát huy tác dụng khi đối phó với các đối thủ tiềm tàng như Triều Tiên, một quốc gia khó đoán định.

Trong một động thái liên quan, nhiều nước trên thế giới đồng loạt lên tiếng phản đối chương trình hạt nhân mới của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã chỉ trích Báo cáo NPR mới của Mỹ khi nêu rõ Trung Quốc là một đối thủ hạt nhân tiềm tàng của Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington tôn trọng cam kết giảm kho vũ khí hạt nhân của mình. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh các hoạt động quân sự của Trung Quốc là nhằm phòng thủ và các lực lượng hạt nhân của nước này cũng ở mức “tối thiểu” để đảm bảo an ninh quốc gia. Đồng thời cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ từ bỏ tư tưởng Chiến tranh Lạnh và gánh trách nhiệm đi đầu trong việc giải trừ hạt nhân.

Trong một động thái liên quan, Nga đã lên án bản chất “hiếu chiến” và “chống Nga” trong chính sách hạt nhân mới của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia của mình. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, khẳng định: “Bản chất hiếu chiến và chống Nga trong Báo cáo NPR là rất rõ ràng. Nga rất thất vọng với các nội dung trong Báo cáo NPR được Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố.

Còn phía Triều Tiên cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tham vọng đe dọa các nước khác bằng vũ khí hạt nhân và muốn thống trị thế giới. Bình Nhưỡng kịch liệt lên án chiến lược mới của Mỹ nhằm tăng cường khả năng răn đe thông qua việc kêu gọi hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này. Triều Tiên cũng gọi chiến lược mới của Mỹ là lời tuyên chiến với toàn thế giới, đồng thời cho rằng Triều Tiên có quyền thúc đẩy sức mạnh răn đe hạt nhân của mình trong trường hợp Mỹ hành động.

Về phía Mỹ, Washington chẳng những không thừa nhận Báo cáo NPR sẽ làm gia tăng vũ khí hạt nhân mà ngược lại còn cáo buộc Nga, Trung Quốc và Triều Tiên mở rộng chương trình hạt nhân đe dọa các quốc gia hòa hảo khác. Đặc phái viên Mỹ về giải giáp vũ khí Robert Wood cảnh báo, vũ khí của Triều Tiên tuyên bố: “Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đang gia tăng các kho vũ khí, tăng khả năng của các loại vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh và trong một số trường hợp theo đuổi các năng lực hạt nhân mới nhằm đe dọa các nước khác”.

Tuy nhiên, thực chất Báo cáo NPR do Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố đi ngược lại hoàn toàn mong ước của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới nên chẳng những bị dư luận quốc tế kịch liệt lên án mà đây còn là động thái nguy hiểm nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho chạy đua vũ khí hạt nhân đối với những quốc gia liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>