Thế giới mất lượng băng khổng lồ mỗi năm

11/05/2021 | 08:56 GMT+7

Sông băng là một chỉ báo nhạy cảm về biến đổi khí hậu có thể dễ dàng quan sát được. Các sông băng đã tan chảy với tốc độ cao kể từ giữa thế kỷ 20.

Tảng băng trôi bất thường gần Trạm nghiên cứu Rothera tại Nam Cực. Ảnh: AP

Nghiên cứu mới về sự tan chảy của sông băng trên toàn cầu được công bố trên tạp chí Nature là nghiên cứu đầu tiên được thực hiện đối với tổng cộng khoảng 220.000 sông băng trên thế giới, không bao gồm các tảng băng ở Greenland và Nam Cực. Mức độ nghiên cứu về không gian và thời gian được mở rộng chưa từng có.

Từ năm 2000 đến năm 2019, trung bình các sông băng trên thế giới mất tổng cộng 294,3 tỉ tấn băng mỗi năm, khối lượng có thể nhấn chìm toàn bộ diện tích của Thụy Sĩ dưới 6m nước.

Tình trạng khối lượng lớn băng bị “thất thoát” tăng nhanh trong các giai đoạn. Theo đó, từ năm 2000 đến năm 2004, các sông băng mất 250,225 tỉ tấn băng mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến 2019, khối lượng băng bị tan chảy lên tới 328,5 tỉ tấn mỗi năm. Băng tan gây ra tình trạng tăng 21% mực nước biển trong thời kỳ này, tương đương khoảng 0,74 mm/năm.

Tình hình ở các sông băng trên dãy Himalaya được coi là “đặc biệt đáng lo ngại” vì việc các sông băng tan chảy tại đây có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và nước uống ở các nước như Ấn Độ và Bangladesh.

Gần một nửa mực nước biển dâng lên là do sự giãn nở nhiệt của nước khi nhiệt độ tăng lên, cùng với nước do băng tan chảy từ các tảng băng ở Greenland và Nam Cực và những thay đổi về trữ lượng nước trên cạn chiếm 1/3 lượng còn lại.

Các sông băng tan nhanh nhất gồm ở Alaska, Iceland và Alps. Tình trạng băng tan đang ảnh hưởng sâu sắc đến các sông băng trên núi Pamir, Hindu Kush và Himalaya. Thềm băng Doomsday ở Nam Cực đang tan chảy nhanh hơn dự kiến và có thể nâng mực nước biển toàn cầu thêm 65cm.

Theo thông tin do tàu ngầm robot thám hiểm cung cấp, Doomsday, một trong những sông băng lớn nhất Nam Cực, có thể tan nhanh hơn chúng ta nghĩ trước đây.

Sông băng Doomsday, còn được gọi là sông băng Thwaites, là một thềm băng khổng lồ ở phía Tây Nam Cực. Theo tạp chí Science, với diện tích bề mặt lớn bằng nước Anh và cao tới 4km, thềm băng được gọi là Ngày tận thế vì tác động dự kiến của nó đối với sự dâng cao của mực nước biển.

Các phép đo được thực hiện trong vùng nước tối dưới khối băng rộng 192.000km2 này cho thấy, có một dòng nước ấm đang chảy từ phía đông len lỏi trong thềm băng. Nước ấm này đang làm tan chảy phần băng dính vào đất.

Là một trong những sông băng tan chảy nhanh nhất ở Nam Cực, sông băng Thwaites, có biệt danh là “Sông băng Ngày tận thế”, đã mất khoảng 595 tỉ tấn băng kể từ những năm 1980, khiến mực nước biển toàn cầu tăng 4%. Sông băng hoạt động giống như “chiếc nút trong chai rượu vang”, ngăn không cho phần băng còn lại trong khu vực chảy ra biển. Vì vậy, sự sụp đổ của sông băng Thwaites có thể dẫn đến khả năng phần còn lại của dải băng Tây Nam Cực sẽ bị cuốn ra đại dương, khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên.

Mọi sông băng trên thế giới đều đang tan chảy với tốc độ rất nhanh chóng, trở thành một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu và có thể gây nên những hậu quả thảm khốc cho con người.

Tại những khu vực có khí hậu ôn hòa và ẩm ướt hơn, băng có xu hướng tan chảy chậm hơn. Mặc dù vậy, không nơi nào trên Trái đất tránh được tình trạng sông băng tan chảy, kể cả phía Tây dãy Himalaya, nơi trước đây có lượng băng ổn định hoặc thậm chí đã từng tăng lên.

Nếu con người kìm hãm được sự tăng nhiệt của Trái đất ở mức 1,50C như mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, lượng băng tan chảy khiến mực nước biển dâng cao sẽ giảm tới 50%.

TP tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>