Thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên

13/09/2017 | 10:13 GMT+7

Dưới tác động của nhiều quốc gia mà đứng đầu là Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) mới đây đã ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân lần thứ 6 diễn ra hôm 3-9 vừa qua.

Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ) ngày 11-9. Nguồn: AFP/TTXVN

Đây là nghị quyết trừng phạt lần thứ 9 được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua, liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên kể từ năm 2006. Theo đó, toàn bộ 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Nghị quyết mới được thông qua nhằm thắt chặt những biện pháp trừng phạt của nghị quyết gần đây nhất được thông qua hôm 5-8, song nhẹ nhàng hơn nhiều so với dự thảo nghị quyết mà Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley lưu hành hôm 6-9.

Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong nghị quyết mới này là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên. Như vậy đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ mất đi doanh thu hơn 1 tỉ USD từ công nghiệp dệt may của nước này. Bên cạnh đó, nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang Triều Tiên ở mức 500.000 thùng trong vòng 3 tháng tính từ ngày 1-10 và ở mức 2 triệu thùng trong 12 tháng tính từ ngày 1-1-2018. Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng một năm. Nghị quyết mới cũng loại bỏ đề xuất đóng băng tài sản, cấm đi lại trên toàn cầu đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, nghị quyết áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu đối với một thành viên của Ủy ban Quân sự Trung ương thuộc Đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời phong tỏa tài sản của ủy ban này. Đây là cơ quan được cho là chỉ đạo các ngành quốc phòng của Triều Tiên.

Đáng chú ý, nghị quyết mới kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao, trong đó có việc khôi phục các cuộc đàm phán 6 bên. Đây là điểm quan trọng được Đại sứ Nga tại LHQ nhấn mạnh sau khi Mỹ lưu hành dự thảo nghị quyết. Nói một cách khác, dù đã ra nghị quyết trừng phạt nhưng LHQ vẫn ưu tiên lựa chọn giải pháp hòa bình bằng đàm phán cho Triều Tiên.

Cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc đều hoan nghênh và cho rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ vừa thông qua tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế “không dung thứ cho chương trình phát triển hạt nhân vô trách nhiệm và liều lĩnh của Triều Tiên”, đồng thời ủng hộ nghị quyết nêu trên.

Tuy nhiên, trước đó Triều Tiên dọa sẽ gây cho Mỹ “nỗi đau tột cùng” nếu Washington khăng khăng hối thúc Hội đồng Bảo an gia tăng trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng. Trong một tuyên bố do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo: “Các biện pháp sắp tới của Triều Tiên sẽ khiến Mỹ phải chịu sự đau đớn và nỗi thống khổ lớn nhất mà nước này từng phải trải qua trong lịch sử. Thế giới sẽ chứng kiến cách Triều Tiên thuần hóa Mỹ bằng nhiều biện pháp cứng rắn hơn những gì họ tưởng tượng”.

Thực tế, tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên hiện nay thật khó đoán. Điều này là mối lo ngại của nhiều quốc gia liên quan. Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang và sẽ là thách thức lớn nhất đối với mặt trận ngoại giao và an ninh của Hàn Quốc trong nhiều năm tới. Ông Kang cũng nhấn mạnh Mỹ và Hàn Quốc tin tưởng chính sách đáp trả mạnh mẽ các hành động khiêu khích thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn trong khi để mở khả năng đối thoại.

Còn nghị sĩ Nhật Bản Antonio Inoki tiết lộ rằng quan chức hàng đầu phụ trách các vấn đề đối ngoại của Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục hướng tới “mục tiêu cuối cùng” của các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. Như vậy nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục nghiên cứu lắp một quả bom H vào một tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Giới quan sát cho rằng, nếu lời đe dọa của Triều Tiên đối với Mỹ thành hiện thực thì hậu quả sẽ khó lường bởi nó ẩn chứa nguy cơ của cuộc chiến tranh hạt nhân với sức hủy diệt chưa từng có.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>