Thêm một hiệp ước quốc tế Mỹ từ chối tham gia

05/12/2017 | 08:41 GMT+7

Mỹ vừa quyết định chấm dứt tham gia vào quy trình của Liên Hiệp Quốc nhằm xây dựng Hiệp ước Di trú Toàn cầu  vì cho rằng việc tham gia Hiệp ước Di trú Toàn cầu do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu làm xói mòn chủ quyền Mỹ.

Người biểu tình phản đối sắc lệnh di trú của Mỹ. Ảnh: NRP

Tháng 9-2016, 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc,  trong đó có Mỹ, đã nhất trí thông qua một tuyên bố chính trị không ràng buộc với tên gọi Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư. Tuyên bố này cam kết ủng hộ các quyền của người tị nạn, giúp họ tái định cư và bảo đảm rằng họ có thể được tiếp cận với các hệ thống giáo dục và việc làm. Văn bản đang trong quá trình được thông qua để trở thành một hiệp ước toàn cầu vào năm 2018.

Tuy nhiên, thông báo của phái bộ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết “Tuyên bố New York có nhiều điều khoản mâu thuẫn với các chính sách về nhập cư và tị nạn của Mỹ cũng như các nguyên tắc về di trú của chính quyền Tổng thống Donald Trump, do vậy Tổng thống Trump quyết định rằng Mỹ sẽ dừng tham gia vào hiệp ước”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cho biết Washington sẽ vẫn tiếp tục “hào phóng” trong việc hỗ trợ người tị nạn và di cư trên toàn thế giới, nhưng các quyết định của Mỹ về chính sách di trú phải do người Mỹ đưa ra và chỉ người Mỹ mới có thể làm điều đó. “Chúng tôi sẽ quyết định về việc làm thế nào để kiểm soát tốt nhất các biên giới của chúng tôi cũng như việc cho phép ai nhập cảnh vào đất nước chúng tôi. Cách tiếp cận mang tính toàn cầu được nêu trong Tuyên bố New York chỉ đơn giản là không phù hợp với chủ quyền của Mỹ”, Đại sứ Haley cho biết.

Loan báo của Mỹ rút ra khỏi hiệp định toàn cầu về di dân và tị nạn được công bố vài giờ trước khi khai mạc Hội nghị toàn cầu về di trú được lên kế hoạch khai mạc ngày 4-12 tại thành phố Puerto Vallarta, Mexico. Mục đích của hội nghị này là thương thuyết những chiến lược nhân đạo để giải quyết hơn 60 triệu người trên toàn cầu bị buộc phải dời cư vì một loạt nguyên nhân khác nhau.

Trong một phản ứng đầu tiên, Chủ tịch luân phiên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 12, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak cho rằng, nhập cư là một vấn đề toàn cầu và vì thế cần một câu trả lời mang quy mô toàn cầu. Theo ông Lajcak, chủ nghĩa đa phương vẫn là phương thức tốt nhất để đối phó với những thách thức toàn cầu. Liên Hiệp Quốc luôn khẳng định hiệp ước không bao giờ có mục đích ràng buộc pháp lý với bất cứ nước nào, mà đây là nỗ lực để xây dựng sự hiểu biết chung rằng dòng di cư có thể gia tăng và cần phải thực hiện theo đúng quy tắc bằng cách công nhận sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước cũng như chủ quyền quốc gia.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và theo đuổi chính sách “Nước Mỹ là số một”, Mỹ đã lần lượt rút khỏi một số cam kết toàn cầu từng được cam kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, bao gồm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong một phát biểu mới đây tại thủ đô Pariss, Pháp, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lấy làm tiếc khi Mỹ để mất vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu. “Hiệp định Paris không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, song nó lại cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ, mà tại đó lần đầu tiên hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều nhất trí rằng đây là một vấn đề và sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể để giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến tình trạng nóng ấm toàn cầu”, ông Obama nói.

Hay gần đây nhất, Mỹ cũng tuyên bố rút tư cách thành viên khỏi Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Trong một lĩnh vực khác như cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Mỹ cũng từ chối công nhận Iran tôn trọng thỏa thuận quốc tế năm 2015 nhằm đảm bảo bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân nước này. Lập trường có nguy cơ đẩy văn kiện đến bờ vực đổ vỡ.

Việc Mỹ rút khỏi dự thảo Hiệp ước toàn cầu về di trú diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thời gian qua đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận về vấn đề nhập cư. Sau cuộc khủng hoảng người nhập cư tại châu Âu, chủ đề lại tiếp tục nóng lên với vấn đề người Rohingya tại Myanmar hay thông tin về các chợ nô lệ nhập cư tại Libya.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>