Thiên tai hoành hành khắp nơi trên thế giới

19/10/2017 | 07:51 GMT+7

14 triệu người phải mất nhà cửa mỗi năm do thiên tai gây ra nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ để khắc phục là vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay.

Thảm họa cháy rừng tại miền Trung Bồ Đào Nha ngày 18-6. Ảnh: EPA

Theo báo cáo công bố mới đây của Văn phòng Giảm thiểu nguy cơ thiên tai Liên Hiệp Quốc (UNISDR), trung bình mỗi năm có 14 triệu người trên thế giới bị mất nhà cửa do các thảm họa như lũ lụt, bão, động đất, sóng thần, cháy rừng… gây ra và xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng. Những thảm họa này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới và gây ra nhiều thiệt hại về người và cơ sở vật chất. Điển hình như tại Ấn Độ, mùa mưa năm nay kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 đã khiến 1,6 triệu người bị ảnh hưởng, nhấn chìm nhiều ngôi làng.

Còn ở Trung Quốc, thiên tai liên tiếp từ tháng 6 tới nay đã khiến 800 người thiệt mạng, hơn 270 người mất tích, thiệt hại về cơ sở vật chất lên đến gần 45 tỉ USD.

Riêng ở Mỹ, từ đầu năm đến nay, cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất tại quốc gia này với khoảng 3,5 triệu héc-ta rừng đã bị thiêu trụi. Trong đó, đáng kể là cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử ở bang California gần đây đã làm ít nhất 40 người thiệt mạng, hơn 200 người hiện đang mất tích, khoảng 86.000ha (lớn hơn diện tích cả thành phố New York) và hàng nghìn ngôi nhà đã bị thiêu trụi. Hơn 10 nhà máy sản xuất rượu vang đã bị cháy gây thiệt hại nặng nề đối với một trong những khu vực sản xuất rượu vang lớn nhất nước Mỹ. Hiện khí hậu khô và gió giật đồng thời không có mưa nên các lực lượng cứu hỏa tiếp tục gặp khó khi ứng phó với các đám cháy ngày một lan rộng. Lửa lan nhanh và rộng buộc hàng nghìn người tiếp tục được sơ tán trong những ngày qua. Hơn 10.000 lính cứu hỏa với sự hỗ trợ của máy bay và các phương tiện chuyên dụng đã được điều động để xử lý 16 đám cháy tại khu vực phía Bắc bang California. Lính cứu hỏa từ các bang lân cận bao gồm Oregon, Washington, Arizona, Colorado, Nevada, và Utah... đã được huy động chữa cháy. Các cơ quan chức năng dự kiến các đám cháy sẽ được kiểm soát trong vài ngày nữa.

Tại Bồ Đào Nha, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực khống chế 145 đám cháy, trong đó có 32 đám cháy ở mức nghiêm trọng. Tính từ đầu năm đến nay, hơn 260.000ha rừng ở Bồ Đào Nha đã bị hỏa hoạn thiêu rụi, tăng gấp đôi so với hàng năm.

Còn tại Tây Ban Nha, gió mạnh do bão Ophelia đã khiến các đám cháy rừng lan rộng ở khắp miền Tây Bắc. Giới chức địa phương cho biết, hiện vẫn còn hơn 100 đám cháy hoành hành tại riêng khu vực này, trong đó 67 đám cháy chưa được kiểm soát. Cư dân ở nhiều thị trấn phải đi sơ tán, nhiều tuyến đường bộ, đường sắt và hàng chục trường học phải đóng cửa.

Ngoài ra, nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đã và đang gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa bão, lũ lụt gây ra.

Theo dự báo của UNISDR và Trung tâm Giám sát Di tản (IDMC) trụ sở tại Geneva, động đất, sóng thần, lũ lụt và lốc xoáy, cháy rừng… tiếp tục sẽ là những tác nhân chính gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa trong tương lai, trong đó châu Á sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất. Cụ thể, 8/10 quốc gia thuộc diện bị đe dọa cao nhất đều nằm tại Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm cả Philippines, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.

Nga và Mỹ cũng là những nước có nguy cơ cao về người dân mất nhà cửa trên diện rộng, trừ khi những nước này có những hành động thiết thực để quản lý rủi ro thiên tai ngay từ bây giờ.

Thảm họa thiên tai đã trở thành vấn đề toàn cầu mà nguyên nhân chính là do tác động từ con người đến môi trường. Những diễn biến phức tạp của thiên tai trong thời gian gần đây là lời nhắc nhở cho nhiều quốc gia không thể lơ là công tác chủ động ngăn ngừa thiên tai và là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người trên thế giới, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>