Thiên tai tàn phá nước Mỹ

30/05/2018 | 08:15 GMT+7

Bão với cường độ mạnh, núi lửa liên tục phun trào dung nham, bão tuyết tàn phá... đã và đang đe dọa nước Mỹ làm cho cuộc sống người dân nơi đây lâm vào cảnh khó khăn.

Nhiều bang ở Mỹ bị lũ uy hiếp do ảnh hưởng của bão Alberto.

Mới đây, chính quyền hai bang Mississippi và Florida ở Đông Nam nước Mỹ phải ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với cơn bão Alberto đang tiến vào khu vực này. Thống đốc bang Florida cho biết, tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trên toàn bộ 67 hạt của bang này, nhằm chuẩn bị ứng phó với mưa lớn và sạt lở đất nghiêm trọng do bão gây ra. Hàng nghìn người dân ở bang Florida đã phải sơ tán khẩn cấp khi bão Alberto hướng tới bờ biển Vịnh Mexico và được dự báo có thể gây mưa lớn và lũ quét nghiêm trọng tại miền Đông Nam nước này.

Hiện tại, do ảnh hưởng bão, mưa lớn đã gây ngập lụt nặng nề ở thành phố Ellicott. Ở nhiều khu phố, mức nước đã dâng lên ngang tầng 1. Một số tòa nhà thậm chí không còn đứng vững và đổ sập. Trận lụt lớn cuốn trôi nhiều xe cộ, khiến giao thông hỗn loạn. Nhiều người đã được giải cứu ra khỏi các tòa nhà trong thành phố. Nhà cộng đồng thành phố được trưng dụng làm trung tâm lánh nạn. Thống đốc bang Maryland Larry Hogan trực tiếp thị sát hiện trường điểm lũ tại phố Main. Hiện vẫn chưa đánh giá được thiệt hại hay thương vong trong đợt lũ này.

Trước đó, từ ngày 4-5 đến nay, núi lửa Kilauea, bang Hawaii liên tục phun trào dung nham làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân nơi đây. Đây là đợt phun trào lớn thứ hai trong 100 năm qua tại Hawaii và đã kéo dài trong 4 tuần liên tiếp.

Đáng quan ngại là hoạt động của núi lửa Kilauea không chỉ đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của cư dân các quần đảo khác ở Thái Bình Dương. Truyền thông địa phương đưa tin, dung nham phun trào từ miệng núi lửa Kilauea đã tiến sát khu vực nhà máy điện địa nhiệt Puna ở Đảo Lớn, đe dọa giếng khoan gần nhất, cách nhà máy này chỉ gần 40m. Cơ quan phòng vệ dân sự Hawaii đã gửi tin nhắn cảnh báo đến các hộ dân sống gần nhà máy điện địa nhiệt có công suất 38 MW này về tình trạng dung nham tràn vào cơ sở phát điện trên. Người phát ngôn của nhà máy Mike Kaleikini cho hay tới nay chưa phát hiện sự rò rỉ của khí độc hydrogen sulfide tại khu vực nhà máy. Ông Kaleikini nhấn mạnh mối quan ngại lớn nhất là dung nham ảnh hưởng đến các giếng khoan, gây tác động khiến lượng khí gây chết người phát ra nhiều hơn.

Nhà máy điện địa nhiệt Puna cung cấp khoảng 25% nhu cầu năng lượng của Đảo Lớn thuộc quần đảo Hawaii. Hồi đầu tháng 5 này, nhà máy này đã phải chuyển khoảng 60.000 gallon (khoảng 227 lít) khí pentane dễ cháy ra khỏi khu vực lưu trữ trong khu vực núi lửa Kilauea hoạt động do núi lửa phun trào. Mặt khác, chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp khoảng 2.000 cư dân.

Trong khi đó, khói mù thoát ra từ núi lửa Kilauea đã bao phủ quần đảo Marshall, cách Đảo Lớn 3.700km. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo người dân trên quần đảo này nên ở trong nhà nhằm tránh mắc các bệnh về hô hấp, trong khi đó hãng hàng không và công ty vận chuyển được khuyến cáo về tầm nhìn hạn chế do khói mù che phủ. Theo văn phòng thời tiết đảo Guam, khói mù thoát ra từ núi lửa Kilaueea có thể lan rộng về hướng Tây và tiến tới các đảo khác thuộc Liên bang Micronesia như Kosrae, Pohnpei hay Chuuk trong vài ngày tới.

Còn nhớ, hồi giữa tháng 4, các trận bão tuyết lớn và nhiệt độ giảm sâu tại miền Trung nước Mỹ đã di chuyển về phía Đông, gây ngừng trệ hoạt động hàng không và làm mất điện trên diện rộng. Theo đó, tuyết rơi dày kỷ lục, có nơi lên đến 60cm, tập trung tại các bang Michigan, Wisconsin, Minnesota, Bắc Carolina. Hơn 1.600 chuyến bay đã bị hủy, khoảng 310.000 hộ dân bị mất điện.

Mặc dù là cường quốc về kinh tế, quân sự nhưng đối phó với thiên tai liên tục xảy ra với sức tàn phá nặng nề như hiện nay đã làm cho Mỹ lâm vào cảnh khó khăn, nhất là người dân của quốc gia này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>