Thổ Nhĩ Kỳ: Vẫn ngổn ngang sau 1 năm vụ đảo chính

17/07/2017 | 08:30 GMT+7

Cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-7-2016 đã có tác động lớn đến đất nước này trong suốt một năm qua. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được đặt trong tình trạng an ninh khẩn cấp, nền chính trị bị chia rẽ, trong khi các mối quan hệ đối ngoại cũng chịu tác động không nhỏ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát biểu trước đám đông kỷ niệm 1 năm ngày đảo chính bất thành. Ảnh: ANADOLU AGENCY  

Ngày 15-7 vừa qua, hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tại khu vực cầu Martyrs ở Istanbul để tham gia vào buổi lễ kỷ niệm tròn 1 năm ngày đảo chính bất thành. Phát biểu trước đám đông, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định sẽ đánh bại bất cứ âm mưu khủng bố, cũng như thế lực đứng đằng sau. Ông cũng khẳng định tiếp tục duy trì lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh đất nước: “Chúng ta nên làm gì với tất cả những điều đã xảy ra: dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, điều này chắc chắn sẽ chưa thể làm được lúc này. Bởi có những thế lực đang tìm cách kiểm soát lực lượng vũ trang của chúng ta khi tìm cách xâm nhập vào các cơ quan, bộ ngành. Chúng ta sẽ không cho phép điều này, bởi đây là kết quả của hàng chục năm nỗ lực. Lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ chỉ kết thúc khi điều kiện bộ máy nhà nước hoàn toàn được thanh lọc”.

Chỉ trước đó một ngày, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sa thải thêm 7.000 cảnh sát, binh sĩ và quan chức các bộ, với cáo buộc liên quan đến mạng lưới mà chính phủ cho rằng đứng đằng sau vụ đảo chính này. Từ vụ đảo chính đến nay,  nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 50.000 người tình nghi liên quan và sa thải 150.000 người khác trong đó có nhiều viên chức, cảnh sát, giáo viên, binh lính... với cáo buộc liên hệ với các tổ chức khủng bố. Đa số những người này bị tình nghi có liên quan tới mạng lưới ủng hộ giáo sĩ Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, bị Thổ Nhĩ Kỳ cho là đứng đằng sau âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, giáo sĩ này nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời lên án âm mưu đảo chính. Tất cả những con số này đã phần nào cho thấy mức độ rối ren hiện nay trong bức tranh chính trị Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua cũng như hiện nay.

Về lĩnh vực ngoại giao, có thể thấy rằng các bước đi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước phương Tây và các nhóm nhân quyền, cho rằng Tổng thống Erdogan đang tận dụng tình trạng khẩn cấp áp đặt sau đảo chính để nhằm vào lực lượng đối lập.

Theo các nhà phân tích, với vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm ở cả 2 lục địa Á-Âu và được coi là vùng đệm giữa châu Âu và khu vực Trung Đông nhiều bất ổn, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo có mối quan hệ tương đối gần gũi với phương Tây và kể từ sau khi gia nhập NATO năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành “pháo đài phía Đông của nền dân chủ phương Tây”, được xem là một trụ cột của cấu trúc an ninh Trung Đông và châu Âu.

Dù cuộc đảo chính không làm chệch hướng tất cả những mối quan hệ này, song lại là một hồi chuông cảnh báo với quan chức phương Tây rằng một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tiến gần sát tới thảm họa chính trị. Điều này được thể hiện rõ ở quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ khi giáo sĩ Gulen, người bị cho là đứng đằng sau sự kiện này đang sống lưu vong tại Mỹ. Cùng với đó là quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đức, một cường quốc phương Tây khác luôn trong tình trạng căng thẳng suốt một năm vừa qua, liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>