Thỏa thuận Brexit lại gặp sóng gió

12/12/2018 | 07:51 GMT+7

Việc Tòa Công lý châu Âu (EJC) phán quyết Anh có thể đơn phương hủy quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không cần xin phép 27 nước thành viên EU đã gây sức ép đối với Thủ tướng Anh Theresa May vì những bất đồng trong Quốc hội.

Quang cảnh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. Nguồn: AFP/TTXVN

Phán quyết trên bất chấp cảnh báo của EU trong phiên tòa trước đó rằng họ sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm bằng cách khuyến khích các quốc gia khác rời bỏ liên minh để đổi lấy các điều khoản thành viên có lợi hơn, rồi sau đó lại hủy bỏ quyết định rút.

Tuy nhiên, đại diện nhóm luật sư của Chính phủ Anh lập luận trường hợp trên hoàn toàn là giả thuyết bởi Anh không có ý định rút lại quyết định của mình. Vì vậy, các thẩm phán của ECJ nên từ chối phán quyết.

Phán quyết của ECJ được ví như “thêm dầu vào lửa” khi tại Anh các phe phái đối lập đã và đang chống đối quyết liệt để bảo vệ lập trường của mình là Anh có rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) hay không? và Brexit theo thỏa thuận hay đơn phương?

Thủ tướng Anh Theresa May đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nước Anh rơi vào một “tình huống nguy hiểm” nếu thỏa thuận Brexit đạt được tháng trước không được Quốc hội thông qua. Trao đổi với tờ the Mail, Thủ tướng May nhấn mạnh việc bác bỏ các đề xuất của bà đồng nghĩa với việc mang lại “sự bất ổn nghiêm trọng” cho nước Anh. Nữ Thủ tướng Anh đồng thời cảnh báo các nghị sĩ Quốc hội rằng hành động của họ có thể dẫn tới nguy cơ không có Brexit, cũng như một cuộc tổng tuyển cử.

Trong một động thái liên quan, mặc dù bà May tuyên bố Chính phủ tạm hoãn đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu theo kế hoạch, Hạ viện Anh vẫn tiếp tục thảo luận về thỏa thuận này. Vấn đề được nhiều nghị sĩ quan tâm hiện nay là phương án chốt chặn đối với đường biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland. Những ý kiến phản đối cho rằng thỏa thuận sẽ khiến nước Anh bị phụ thuộc nhiều vào EU và doanh nghiệp Anh sẽ bị rơi vào thế bất lợi trong cạnh tranh kinh doanh.

Sở dĩ Thủ tướng May tạm hoãn việc bỏ phiếu thỏa thuận Brexit là nhằm tiến hành cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các nước EU để thảo luận về những thay đổi có thể đối với phương án chốt chặn cho vấn đề đường biên giới Ireland. Điều này giúp bà May thuyết phục các nghị sĩ Anh bằng những biện pháp liên quan đến đường biên giới Ireland sẽ chỉ mang tính giải pháp tạm thời. Mặt khác, Thủ tướng May cũng cho biết Chính phủ sẽ thúc đẩy chuẩn bị kịch bản nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào trong trường hợp các nghị sĩ Anh tiếp tục phản đối thỏa thuận Brexit.

Tuy nhiên, EU tuyên bố sẽ không tái đàm phán thỏa thuận Brexit, mà giới lãnh đạo khối này và Thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được hồi tháng trước. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Mina Andreeva nhấn mạnh EU đã mang lại cho Anh một thỏa thuận “tốt nhất và khả thi nhất”. Bà Andreeva nêu rõ: “Lập trường của chúng tôi không thay đổi và quan điểm của chúng tôi là Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019 và EU luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản”.

Nước Anh rơi vào một vòng xoáy bất ổn định mới trước diễn biến đầy kịch tính hiện nay, nhưng cả các nghị sĩ Anh và EU đều không muốn xảy ra kịch bản nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào vì điều này sẽ gây tổn thất cho cả hai bên. Do vậy, khả năng cao lãnh đạo các nước EU sẽ ngồi lại để tìm cách tháo gỡ bế tắc hiện nay của Thủ tướng May đối với phương án chốt chặn để Quốc hội Anh có thể thông qua thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, kết quả sau đó còn tùy thuộc vào khả năng thuyết phục của Thủ tướng May trước Hạ viện.

Mặc dù còn có những bất đồng trong thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU đặc biệt là trong nội bộ Anh, tuy nhiên việc Anh rời khỏi EU chắc chắn sẽ diễn ra cho dù diễn tiến theo kịch bản nào.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>