Thỏa thuận hạt nhân với Iran: Gian nan tìm giải pháp cứu vãn

18/05/2018 | 09:40 GMT+7

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhiều quốc gia vẫn muốn duy trì thỏa thuận này, tuy nhiên tìm một giải pháp vẹn toàn vẫn là vấn đề khó.

Iran gửi thư lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) cáo buộc Mỹ thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Nguồn: AFP/TTXVN

Mới đây, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) trong việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân đã ký kết vào năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels (Bỉ), ông Guterres nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực mà EU đang làm nhằm cứu vãn JCPOA”. Về phần mình, ông Juncker tái khẳng định quyết tâm của EU bảo vệ JCPOA vì tầm quan trọng hàng đầu là duy trì hòa bình trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới.

Trước đó, các cường quốc châu Âu đã cam kết duy trì JCPOA sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận mang tính lịch sử này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump “quyết định thiếu suy nghĩ” khi rút khỏi JCPOA. Theo đó, EU đã khởi xướng một kế hoạch kinh tế gồm chín điểm nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó có việc duy trì quan hệ kinh tế với Iran, đảm bảo Tehran duy trì khả năng kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của mình cũng như tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế, và bảo vệ các công ty châu Âu đang hoạt động tại Iran.

Mới đây, tại thủ đô Sofia của Bulgaria, các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một cách tiếp cận chung của khối này để duy trì JCPOA. Theo đó, các nhà lãnh đạo EU nêu rõ nếu như Iran tôn trọng thỏa thuận này thì EU sẽ luôn ủng hộ JCPOA. Điều này đồng nghĩa với việc dù có Mỹ tham gia hay không EU vẫn kiên quyết duy trì JCPOA.

Trong một động thái liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng cho biết Nga ủng hộ đề xuất của EU về tổ chức một cuộc gặp để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna (Áo) vào tuần tới. Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, hiện Mỹ đang cố gây sức ép mạnh đối với những bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân với Iran. Cụ thể Washington đã đưa ra những tối hậu thư về sự cần thiết phải dừng giao thương với Iran, trong đó có việc chuyển giao những sản phẩm nhất định, bao gồm mua dầu của Iran. Họ đã đặt ra mốc thời hạn 60 ngày, 90 ngày, nhằm gây sức ép lớn đối với Tehran”. Tuy nhiên mọi chuyện hoàn toàn ngược lại khi các quốc gia liên quan, EU và cả LHQ cũng đồng tình duy trì JCPOA.

Thực tế Mỹ quyết định rút khỏi JCPOA là vì Tổng thống Donald Trump cho rằng: “Đây là một thỏa thuận tồi, một chiều, thảm họa và không có ích gì cho hòa bình”. Mặt khác, Israel - đồng minh của Mỹ lại cho rằng, Chính phủ Iran đã gian dối về chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời cáo buộc Tehran đang tài trợ cho chiến dịch của phong trào Hồi giáo Hamas, qua đó thúc đẩy bạo lực và các cuộc tấn công nhằm vào Israel, dưới vỏ bọc của các cuộc biểu tình quy mô lớn ở khu vực biên giới. Tuy nhiên những cáo buộc trên hoàn toàn vô căn cứ.

Đi cùng với tuyên bố rút khỏi JCPOA, Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt Iran. Mới đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngân hàng trung ương của Iran, 3 cá nhân khác và một ngân hàng đặt trụ sở tại Iraq. Từ đó làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Washington và Tehran.

Đáp trả lại việc Mỹ rút khỏi JCPOA, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ không đầu hàng trước áp lực trừng phạt của Mỹ và thậm chí là cả lời đe dọa chiến tranh. Ông Rouhani khẳng định: “Họ (Mỹ) nghĩ rằng họ có thể làm cho một quốc gia như Iran đầu hàng bằng cách gây áp lực, bằng các lệnh trừng phạt và thậm chí là đe dọa chiến tranh… Iran sẽ chống lại các âm mưu của Mỹ”.

Việc “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Iran đã làm cho mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia. Do vậy dù các quốc gia liên quan, EU và LHQ có nỗ lực nhưng tìm một giải pháp khả thi để cứu vãn JCPOA là chuyện không hề dễ dàng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>