Thủ tướng Anh tăng tốc Brexit

18/12/2019 | 18:40 GMT+7

Theo kế hoạch, sau khi thông qua Dự luật về việc rời khỏi EU tại Hạ viện Anh, Thủ tướng Boris Johnson sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán và hoàn tất Brexit vào ngày 31-1-2020 như đã định.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ ngăn chặn khả năng gia hạn quá trình chuyển giao Brexit. Ảnh: Financial Times

Với thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Anh vào ngày 12-12 vừa qua, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đã có đủ điều kiện tự đứng ra thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với các chính đảng khác.

Chiến thắng áp đảo này sẽ dọn đường cho tiến trình Anh rời khởi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit đúng thời hạn sau nhiều năm bế tắc chính trị. Sau Brexit, ông Johnson đặt mục tiêu tới cuối năm 2020 sẽ thiết lập quan hệ thương mại bền vững với EU trong tương lai.

Đây cũng là việc làm đầu tiên trong thực hiện cam kết khi tranh cử của Thủ tướng Anh Boris Johnson, nhằm không kéo dài giai đoạn chuyển tiếp Brexit đến sau năm 2020 và quyết tâm đạt một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU.

Điều này cũng được một quan chức cấp cao của Chính phủ Anh khẳng định, London sẽ không kéo dài thời gian thực thi Brexit. Sau khi rời EU, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp, nước này chỉ còn là thành viên EU trên danh nghĩa và hai bên sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận toàn diện về mối quan hệ hậu Brexit.

Thực tế, một thỏa thuận thương mại toàn diện sẽ bao gồm dịch vụ tài chính, các quy định về một loạt vấn đề từ nguồn gốc xuất xứ đến thuế quan, các quy định về trợ cấp của nhà nước và ngư nghiệp. Tuy nhiên, phạm vi và ưu tiên của bất kỳ thỏa thuận tương lai nào vẫn cần có sự thảo luận. Với cam kết không kéo dài thời gian chuyển tiếp, Thủ tướng Johnson đã giảm thời gian đàm phán thỏa thuận thương mại với EU từ 3 năm xuống còn 10-11 tháng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 13-12 vừa qua, lãnh đạo 27 nước thành viên đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Anh sau khi thỏa thuận Brexit được phê chuẩn và thực thi.

Theo một quan chức Pháp, trong các cuộc đàm phán thương mại với Anh tới đây, EU sẽ đặc biệt chú trọng “các điều khoản sân chơi bình đẳng” để đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Như vậy, dù muốn hay không tiến trình Brexit vẫn phải khởi động lại và đẩy nhanh tiến độ theo quyết tâm của ông Johnson. Sau hơn 3 năm tranh luận về Brexit, hiện ông Johnson đang muốn đoàn kết nội bộ vốn bị chia rẽ về việc đi hay ở Liên minh châu Âu. Việc còn lại là kết quả đàm phán với EU.

Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, việc vượt qua cửa ải Quốc hội Anh cũng không có nghĩa là chấm dứt những khó khăn của tiến trình Brexit. Thách thức tiếp theo sẽ là các cuộc đàm phán mối quan hệ tương lai về thương mại, an ninh giữa Anh và EU. Bất đồng đã nổi lên ngay từ khi giai đoạn 2 đàm phán chưa bắt đầu. Trong tuyên bố về Brexit, EU mong muốn một mối quan hệ tương lai với Anh dựa trên sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ, đảm bảo một sân chơi bình đẳng.

Tuy nhiên, các quy định và quy tắc của Anh cũng không được khác biệt “quá xa” so với tiêu chí hiện hành của châu Âu, thậm chí kể cả khi nước này rời EU. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, nước Anh sẽ không chấp nhận “cúi đầu” trước các quy tắc của EU để đổi lấy thỏa thuận thương mại về Brexit.

Giới quan sát nhận định, mặc dù ông Johnson quyết tâm đẩy nhanh tiến trình Brexit nhưng việc hoàn thành giai đoạn chuyển giao này dự kiến vào cuối năm 2020 là quá tham vọng và quá ngắn. Ông Johnson nên kéo dài thời gian đàm phán với EU để lựa chọn phương án tốt nhất nhằm tạo thuận lợi cho cả hai bên sau này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>