Thương chiến Mỹ - Trung vẫn chưa giảm nhiệt

02/08/2019 | 08:30 GMT+7

Đúng như giới quan sát dự đoán, kết thúc vòng đàm phán thương mại mới nhất tại thành phố Thượng Hải (Shanghai), Trung Quốc, giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thuế quan về thương mại và công nghệ, đã không đạt được tiến triển.

Nguồn: NIKKEI ASIAN REVIEW

Theo đó, cuộc đàm phán kết thúc vào chiều 31-7, sớm hơn kế hoạch khoảng 40 phút. Cả hai phái đoàn của Mỹ và Trung Quốc đều không đưa ra phát biểu với các phóng viên trước khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin lên đường về nước.

Theo thông báo trước đó của Nhà Trắng, vòng đàm phán này tập trung vào các vấn đề như sở hữu trí tuệ, áp đặt chuyển giao công nghệ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại và thực thi pháp luật.

Các chuyên gia kinh tế nhận định khả năng Mỹ - Trung đình chiến trong cuộc chiến về thuế quan là rất mong manh vì các bất đồng cơ bản giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết, và không có dấu hiệu cho thấy hai chính phủ sẽ sẵn sàng nhượng bộ.

Chính quyền Mỹ chính thức “khai hỏa” chiến tranh thương mại với Trung Quốc từ ngày 6-7-2018, bằng việc áp thuế quan 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia này trị giá 34 tỉ USD vào thị trường Mỹ. Trung Quốc lập tức đáp trả bằng cách áp thuế 25% lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Mới đây, Mỹ đã áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25%, đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD. Ông chủ Nhà Trắng còn cảnh báo áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỉ USD. Đáp lại, Trung Quốc đã tăng thuế với giá trị tương đương đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này đã gây căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kể từ đó đến nay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cứ gia tăng căng thẳng theo thời gian.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thương chiến Mỹ - Trung là do mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Dự báo, đến năm 2030, GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu thứ nhì thế giới; Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu thứ nhì thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa 2 siêu cường càng trở nên gay gắt trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ có dấu hiệu suy giảm trong khi Trung Quốc đang bộc lộ tham vọng thay thế Mỹ ở vị trí thống lĩnh bàn cờ địa chính trị thế giới. Mặt khác, trong trao đổi thương mại giữa hai nước Mỹ kém Trung Quốc khi phải chi nhiều hơn thu. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn và nảy sinh cuộc chiến.

Như vậy, hơn một năm qua, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành 11 vòng đàm phán thương mại cấp cao. Vòng đàm phán gần đây nhất (hồi tháng 5) đã đổ vỡ, với việc Washington cáo buộc Bắc Kinh đổi ý về những cam kết giữa hai bên, theo đó phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được xây dựng sau 10 vòng đàm phán.

Trong một động thái liên quan, trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ rút lại công nhận quy chế “nước đang phát triển” của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc. Theo quy chế này, WTO cho phép các nước đang phát triển có thời hạn dài hơn để thực hiện các cam kết về tự do thương mại cũng như khả năng bảo vệ một số lĩnh vực sản xuất nội địa và duy trì các khoản trợ cấp cho các ngành nghề và doanh nghiệp trong nước.

Theo tuyên bố này, nếu trong vòng 90 ngày những quy định WTO không có sự cải thiện đáng kể, Washington sẽ yêu cầu đại diện thương mại của nước này ngừng đối xử với những thành viên WTO nói trên như các nền kinh tế đang phát triển. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng tìm mọi cách để hạ nhiệt căng thẳng cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Động thái mới nhất là Bắc Kinh vừa nhập hàng triệu tấn đậu nành của Mỹ. Trước đó, Trung Quốc hạn chế số lượng nhập nông sản từ Mỹ khiến giá đậu nành giảm mạnh. Động thái này được cho là phía Bắc Kinh đang chìa “cành ô liu” cho Washington. Các quan chức Trung Quốc cũng khẳng định động thái trên thể hiện thiện chí của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy hàng hóa Mỹ vào nước này nhằm thực hiện các cam kết giữa lãnh đạo hai nước hồi tháng 6.

Tuy nhiên, phía sau động thái thiện chí của Bắc Kinh liệu còn có những âm mưu nào khác? Đó cũng là câu hỏi mà giới quan sát đặt ra.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>