Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai có thành hiện thực ?

13/09/2018 | 08:32 GMT+7

Nhiều quốc gia liên quan đều mong muốn Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sớm diễn ra để lập lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên vẫn còn những trở ngại không nhỏ giữa lãnh đạo hai nước.

Hiện tại, công tác đối thoại về cuộc gặp thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, ông Trump đã nhận được bức thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên về kế hoạch tổ chức một cuộc gặp tiếp theo. Đồng thời khẳng định cuộc gặp tiếp theo với nhà lãnh đạo Triều Tiên “là điều Mỹ rất mong muốn”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Singapore.  Nguồn: Nhà Trắng

Thực chất của cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 không phải là điều bất ngờ mà đây chỉ là bước đi cần thiết tiếp theo của những thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6.

Theo đó, sau cuộc gặp lần đầu, Triều Tiên đã thật sự có những chuyển biến rõ nét về những điều cam kết. Điển hình như Bình Nhưỡng đã không thử tên lửa đạn đạo nhiều tháng nay, dỡ bỏ bãi thử hạt nhân, thay đổi thái độ trong quan hệ với Mỹ. Đặc biệt là tại sự kiện diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (9/9/1948 - 9/9/2018), Triều Tiên đã quyết định không trưng bày bất cứ tên lửa tầm xa hay tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nào có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Điều này thể hiện thiện chí đối với tiến trình phi hạt nhân hóa - vấn đề vẫn còn nhiều bất đồng giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Gần đây, Triều Tiên đã không tiếc lời khen ngợi Mỹ. Trong một tuyên bố đưa ra giữa tháng 8 trên KCNA, Triều Tiên nhấn mạnh: “Tổng thống Trump, người có một “giấc mơ” về hòa bình thế giới, một sự nghiệp lịch sử, lại có quá nhiều kẻ thù”. Mặt khác, truyền thông Triều Tiên không ngừng nhấn mạnh việc duy trì bầu không khí được tạo ra từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore. Đặc biệt, các trang truyền thông cũng không còn chỉ trích ông Trump về những bất đồng hiện nay trong các cuộc đối thoại Mỹ - Triều.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã 4 lần gửi thư tay cho Tổng thống Mỹ và nhận được phản hồi tích cực từ phía ông Trump. Một số bài bình luận cho rằng phương thức ngoại giao bằng thư tay của ông Kim đã cũ nhưng hiệu quả hoàn toàn ngược lại. Đây sẽ là tác nhân tạo ra tín hiệu khả quan trong quan hệ hai nước và hứa hẹn cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai của hai nhà lãnh đạo này.

Trước đó, báo Triều Tiên đã chỉ trích thái độ “nước đôi” của Mỹ khi tổ chức các cuộc tập trận bí mật, hủy bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng theo kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và tuyên bố sẽ để ngỏ các cuộc tập trận tại bán đảo Triều Tiên… đã làm cản trở tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa, khiến nhiều quốc gia quan tâm.

Còn về phía Mỹ, sau những động thái được cho là thiếu tin tưởng thì hiện nay ông Trump đã tỏ thái độ thân thiện và xích lại gần hơn với Triều Tiên. Trên trang Twitter, Tổng thống Donald Trump đã đánh giá sự kiện tổ chức diễu hành nhân Quốc khánh Triều Tiên như “một thông điệp quan trọng và tích cực”. Đồng thời tuyên bố sẽ nối lại cuộc đàm phán lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo.

Nếu các động thái ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục được thúc đẩy thì sẽ sớm có một cuộc gặp thượng đỉnh nữa giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tương lai gần.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc Mỹ và Triều Tiên bình thường hóa mối quan hệ bất ổn giữa hai nước có vai trò sống còn đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: Hòa bình và an ninh của khu vực chỉ có thể đạt được thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Ông Abe bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc và Mỹ trong vấn đề này.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>