Tìm giải pháp hòa bình cho Syria

22/11/2017 | 07:48 GMT+7

Mặc dù đã tuyên bố chiến thắng hoàn toàn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng tình hình bất ổn chính trị ở Syria vẫn đang diễn ra làm nhiều quốc gia liên quan lo lắng.

Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Antalya. Ảnh: MNA

Quân đội Syria và các lực lượng đồng minh vừa tuyên bố họ đã chiếm lại thành phố al-Bukamal - thành trì cuối cùng của IS tại Syria - đưa “Vương quốc Hồi giáo” của IS tới bờ sụp đổ. Chiến thắng này phải kể đến sự trợ giúp của các tay súng do Iran hậu thuẫn và các cuộc không kích yểm trợ của Nga. Hiện IS chỉ còn hiện diện manh mún ở một số làng mạc và khu vực hẻo lánh ở miền đồi núi Syria.

Sau giải phóng, hàng chục nghìn người dân đã quay trở về để bắt đầu sửa sang lại nhà cửa ổn định cuộc sống. Thống đốc Talal Barazi của cả thành phố và tỉnh Homs cho biết có khoảng 20.000 người, với hơn 500 gia đình đã trở về nhà trong năm 2016-2017. Thành phố Homs đã từng là thành trì của phe đối lập có vũ trang của Syria kể từ năm 2011, đã trở lại dưới sự kiểm soát của chính quyền Damascus vào tháng 5, khi các tay súng đối lập rời khỏi khu vực này theo thỏa thuận với chính quyền Syria. Từ khi bắt đầu chiến tranh trong khu vực, có đến 40% dân thường đã rời khỏi thành phố và đến nay một nửa trong số họ đã trở về nhà của mình. Đây là tín hiệu vui khẳng định chiến tranh đẫm máu đã đi qua, hòa bình đang được lập lại ở quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, những ngày qua liên tiếp diễn ra các cuộc nã súng vào nhau giữa các phe đối lập làm cho nhiều dân thường thương vong, trong khi các bệnh viện và trường học đóng cửa do các bên đối địch nã pháo vào nhau, nhất là ở thủ đô Damascus và khu vực Đông Ghouta. Sự việc càng gia tăng căng thẳng kể từ khi nhóm phiến quân Ahrar Al-Sham hồi tuần trước tấn công một căn cứ quân sự tại Đông Ghouta, một thành trì của phe đối lập bên ngoài thủ đô Damascus, các lực lượng chính phủ đã tăng cường pháo kích vào khu vực này.

Theo báo cáo của Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), các vụ nã pháo và không kích đã khiến ít nhất 66 dân thường thiệt mạng, trong đó có 13 trẻ em, và ít nhất 281 người khác bị thương. Khu vực Đông Ghouta có khoảng 400.000 người sinh sống và phe đối lập Syria chiếm giữ khu vực này từ năm 2013 và các điều kiện về nhân đạo tại đây hết sức tồi tệ.

Trong một tuyên bố gần đây, Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Syria, ông Ali Al-Zaatari kêu gọi các bên tham chiến ngay lập tức ngừng pháo kích vào các khu vực dân cư. Ông Zaatari nêu rõ, LHQ hy vọng các bên đối địch ngừng bắn ngay lập tức và thiết lập các hành lang nhân đạo cứu trợ người dân tại khu vực này cũng như trợ giúp nhân đạo cho người dân trên cả nước Syria.

Liên quan đến tình hình Syria, Ngoại trưởng các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vừa nhóm họp ngày 19-11 đã nhất trí với đề xuất tổ chức “Đại hội đối thoại dân tộc Syria” và vòng đàm phán hòa bình mới về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 28-11 tới. Theo kế hoạch, chủ đề chính được các Ngoại trưởng thảo luận là tình hình tại các khu vực giảm căng thẳng đã được thiết lập ở Syria, đặc biệt tại tỉnh Idlib cũng như sự phối hợp giữa Matxcơva, Ankara và Tehran trong khuôn khổ Astana. Đây sẽ là vòng đàm phán thứ 8 tại Geneva về cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn 6 năm qua ở Syria.

Trước đó, Đặc phái viên LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura đã kêu gọi chính phủ và phe đối lập Syria đánh giá tình hình hiện nay một cách thực tế trên tinh thần trách nhiệm cao đối với người dân Syria, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng để tham dự vòng hòa đàm nói trên. Ông cũng lưu ý cả hai bên cần sẵn sàng để đàm phán về 4 vấn đề chủ chốt, gồm: chính quyền trung ương và địa phương, một hiến pháp mới, các cuộc bầu cử được LHQ giám sát và kết thúc cuộc chiến chống khủng bố. Nếu thỏa thuận này đạt kết quả thì bài toán về tiến trình lập lại hòa bình giữa chính phủ và phe đối lập ở Syria đã có được lời giải.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>