Tín hiệu hòa bình cho miền Đông Ukraine

12/12/2019 | 07:20 GMT+7

Mặc dù còn nhiều bất đồng, nhưng sau Hội nghị Bộ tứ Normandy, Nga và Ukraine đã nhất trí thực hiện một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine vẫn thấy nuối tiếc.

Từ trái sang: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy tại Paris, Pháp, ngày 9-12-2019. Ảnh: AFP

Sau Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy tại Paris (Pháp), các lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine đã thông qua tuyên bố chung 3 điểm về kết quả Hội nghị Bộ tứ Normady, bao gồm Thỏa thuận Minsk về Donbass tiếp tục là nền tảng cho công việc của Bộ tứ Normandy; bổ sung thêm điều khoản mới trước cuối tháng 3-2020 về việc phân chia bố trí lực lượng ở vùng Donbass; các nhà lãnh đạo Bộ tứ Normandy cam kết ủng hộ việc thực thi toàn diện chế độ ngừng bắn ở Dobass đến cuối năm nay, kêu gọi các bên tổ chức trao đổi người bị bắt giữ trước cuối năm 2019.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vẫn còn những khác biệt rõ ràng giữa Ukraine và Nga về lịch trình bầu cử ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, hội nghị lần này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ông Macron cho rằng các bên hy vọng đạt được thỏa hiệp trong vòng 4 tháng. Đây được xem là nền tảng tạo động lực mới cho các nỗ lực khôi phục hòa bình ở miền Đông Ukraine.

Cùng quan điểm trên, Thủ tướng Đức Merkel đánh giá hội nghị lần này đã giúp các bên vượt qua “giai đoạn ru ngủ” trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Bà Merkel thông báo, các bên đã nhất trí thực thi tổng thể các gói giải pháp trong các thỏa thuận Minsk, trong đó có mục tiêu tiến hành các cuộc bầu cử địa phương.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh, các bên đã thảo luận việc trao đổi tù nhân và dự kiến một cuộc trao đổi như vậy sẽ diễn ra vào ngày 24-12 tới. Tuy nhiên, ông Zelensky bày tỏ tiếc nuối khi hội nghị vẫn chưa thể giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng. Đó là Quy chế của Donbass trong lãnh thổ Ukraine, ai sẽ kiểm soát biên giới giữa Donbass và Nga và làm thế nào tổ chức các cuộc bầu cử địa phương tại khu vực do lực lượng đối lập Ukraine kiểm soát.

Về những vấn đề chưa được đồng thuận, Tổng thống Nga Putin khẳng định Nga sẽ nỗ lực đóng góp vào tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Nga, tiến trình này đang diễn ra đúng hướng với những bước tiến cụ thể như trao đổi tù nhân, rút quân khỏi 3 điểm nóng ở khu vực giới tuyến theo thỏa thuận.

Theo đó, chính quyền Kiev sẽ trao trả 250 tù binh để đổi lấy 100 tù binh từ Cộng hòa tự xưng Donetsk cũng như Luhansk ở Donbass trước cuối năm; tiếp tục rút lực lượng vũ trang tại các điểm xung đột cho tới cuối tháng 3-2020, tiến hành phi quân sự hóa thêm 3 điểm nữa, thực thi các bước nhằm thu dọn bom mìn và trong vòng 30 ngày sẽ thiết lập các điểm chuyển tiếp (cửa khẩu) mới cho nhân dân qua lại ở khu vực biên giới phục vụ mục đích nhân đạo; nhất trí tiếp tục gặp thượng đỉnh nhóm Bộ tứ chậm nhất vào 4 tháng nữa.

Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ Normandy về tình hình Ukraine lần gần đây nhất, được tiến hành là vào năm 2016 tại thủ đô Berlin của Đức cũng đã đề xuất một lệnh ngừng bắn tiến tới lập lại hòa bình cho miền Đông Ukraine. Nhưng sau đó, các bên liên quan đã phá vỡ thỏa thuận này và giao tranh tiếp tục diễn ra ngày càng ác liệt hơn.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Liên Hiệp Quốc, các cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này từ năm 2014 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người.

Mặc dù vẫn còn những bất đồng giữa Nga và Ukraine nhưng những kết quả đạt được bước đầu từ Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ Normandy là tín hiệu khả quan hứa hẹn lập lại hòa bình cho Đông Ukraine.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>