Tình hình khủng hoảng tại Venezuela: Phản ứng trái chiều

01/02/2019 | 06:49 GMT+7

Tình hình khủng hoảng chính trị ở Venezuela ngày càng rối ren kéo theo những phản ứng trái chiều giữa các quốc gia liên quan.

Những người ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuần hành tại Caracas. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay, tại Venezuela ngoài Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro còn có Tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido. Điều này đồng nghĩa quốc gia này đang tồn tại hai chế độ đối lập và “đấu đá” quyết liệt để tranh giành vị thế lẫn nhau dẫn đến nội chiến đẫm máu. Mặc dù Tổng thống tự xưng Juan Guaido cho rằng tình hình tại quốc gia Nam Mỹ này hiện nay là “một thời điểm thật sự kỳ diệu” nhưng thực tế quốc gia này đang lâm vào cảnh khủng hoảng không lối thoát. Đáng quan ngại là các quốc gia liên quan có những động thái hoàn toàn trái ngược nhau về chính trị của Venezuela.

Sau khi công nhận Tổng thống tự xưng của Venezuela Guaido, Mỹ tiếp tục công nhận Đại diện lâm thời do ông này đề cử. Thông cáo của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo có đoạn: “Mỹ chấp nhận đề cử của Tổng thống lâm thời Juan Guaido lựa chọn Carlos Alfredo Vecchio làm Đại biện lâm thời của Chính phủ Venezuela tại Mỹ vào ngày 25-1. Ông Vecchio sẽ có thẩm quyền về các vấn đề ngoại giao ở Mỹ nhân danh Venezuela”.

Cùng với Mỹ, Australia và Israel khẳng định đứng về phía Mỹ trong vấn đề Venezuela. Ngoài ra, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức hôm 26-1 ra tối hậu thư cho Maduro, nói rằng họ sẽ công nhận Guaido là tổng thống lâm thời nếu Venezuela không tiến hành một cuộc bầu cử trong 8 ngày tới.

Trong khi đó, đương kim Tổng thống Venezuela Maduro cáo buộc Mỹ tổ chức đảo chính ở Venezuela, đồng thời cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Washington và lệnh cho các nhà ngoại giao Mỹ phải rời đất nước Mỹ Latinh này trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Ông Maduro yêu cầu các nước châu Âu rút lại tối hậu thư vừa công bố và gọi đây là “hành động xấc xược”.

Ngược lại với Mỹ, các nước Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba... lại ủng hộ đương kim Tổng thống Venezuela Maduro. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Venezuela nhằm bảo vệ chủ quyền, độc lập và ổn định đất nước. Các nước cần tuân thủ nguyên tắc và tôn chỉ Hiến chương của Liên Hiệp Quốc (LHQ), phản đối can thiệp từ bên ngoài vào tình hình Venezuela, phản đối việc một quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Ông Cảnh Sảng nói: “Vấn đề của Venezuela chỉ có thể và do người dân Venezuela tự lựa chọn và quyết định. Hy vọng các bên có các hành động giúp ổn định tình hình Venezuela, cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế”.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố, chính quyền Venezuela không yêu cầu chính quyền Nga hỗ trợ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Đồng thời, ông cũng nói thêm rằng vấn đề này nên được chính người dân Venezuela giải quyết phù hợp với khuôn khổ pháp lý.

Các cơ quan di trú và tị nạn của LHQ cũng đã lên án các vụ tấn công bằng bạo lực và ngôn từ chống lại người dân Venezuela trong khu vực và kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh lên án tình trạng bài ngoại và thể hiện sự đoàn kết.

Hơn 1 tuần qua, tình hình căng thẳng ở Venezuela vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc các tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan có những động thái hoàn toàn trái ngược nhau về an ninh chính trị Venezuela càng làm cho tình hình rối ren gia tăng ở quốc gia Mỹ Latinh này. Lời giải cho bài toán khó mang tên Venezuela càng thêm mờ mịt.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>