Tổng thống Zimbabwe Mugabe từ chức nhưng khủng hoảng vẫn còn

23/11/2017 | 07:06 GMT+7

Sau nhiều ngày bùng phát khủng hoảng chính trị, mới đây dưới sức ép của Quốc hội, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã từ chức, kết thúc ngôi vị đế chế 37 năm của vị tổng thống 93 tuổi này.

Người dân và binh sĩ Zimbabwe vui mừng trước thông tin Tổng thống từ chức, tại Harare. Nguồn: AFP/TTXVN

Những ngày qua, tình hình tại Zimbabwe giống như một cuộc đảo chính diễn ra trong phim, khi hàng đoàn xe quân sự nối đuôi nhau trên phố, Tổng thống bị giam lỏng tại gia và một vị tướng lĩnh hàng đầu xuất hiện trên truyền hình tuyên bố lập lại ổn định.

Trước đó, Quốc hội Zimbabwe đã mở phiên họp nhằm bắt đầu tiến trình luận tội Tổng thống Robert Mugabe, động thái có thể dẫn tới việc ông này bị cách chức. Cùng thời gian này, các nghị sĩ từ khắp cả nước đã kêu gọi ông Mugabe từ chức sau khi quân đội Zimbabwe nắm quyền kiểm soát. Ngoài ra, hàng chục nghìn người dân Zimbabwe cũng đã xuống đường biểu tình yêu cầu vị tổng thống này từ chức. Mặc dù có những động thái cương quyết giữ ngôi vị nhưng cuối cùng bị sức ép từ nhiều phía, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã chính thức từ chức ngày 21-11.

Phóng viên McKenzie của kênh CNN (Mỹ) bình luận trên Twitter “Đất nước này đã thay đổi chỉ qua một đêm”.  Sự kiện trên cũng là niềm vui cho người dân Zimbabwe, với hy vọng tình hình khủng hoảng chính trị sẽ ổn định, cuộc sống người dân được cải thiện. 

Mặc dù ông Mugabe từ chức nhưng tương lai của Zimbabwe vẫn còn bất định. Bởi lẽ, Hiến pháp nước này quy định phó tổng thống sẽ tiếp quản quyền lực trong vòng 90 ngày. Nếu tình huống này diễn ra thì người nắm quyền thay thế tổng thống từ chức sẽ là ông Phelekezela Mphoko, 77 tuổi, được cho là thân cận với Đệ nhất Phu nhân Grace Mugabe, người phụ nữ có tham vọng kế nghiệp chồng và bị nhiều người đổ lỗi là gây ra tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay. Tuy nhiên, cả 2 nhân vật này đều đang yếu thế sau khi bị đảng cầm quyền ZANU-PF cách chức hôm 19-11. Do vậy, chiếc ghế Tổng thống Zimbabwe được cho là chắc chắn thuộc về ông Emmerson Mnangagwa, phó tổng thống bị ông Mugabe cách chức mấy ngày trước nhưng vừa được Đảng cầm quyền ZANU-PF chỉ định làm lãnh đạo lâm thời trong cuộc họp hôm 19-11 vừa qua.

Đúng như dự đoán của giới phân tích, mới đây Thư ký pháp lý của Đảng cầm quyền ZANU-PF ở Zimbabwe, ông Patrick Chinamasa cho biết cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống nước này vào ngày 22 hoặc 23-11, sau khi ông Robert Mugabe từ chức.

Trong khi đó, Trưởng ban thẩm tra tư cách nghị sĩ của Đảng ZANU-PF, ông Lovemore Matuke cho biết ông Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức trong vòng 48 giờ và sẽ đảm đương phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông Mugabe, cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, theo kế hoạch sẽ phải được tổ chức vào tháng 9-2018.

Trong một động thái liên quan, Mỹ đã kêu gọi tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như sự tôn trọng kiên định với nguyên tắc luật pháp ở Zimbabwe. Washington cho rằng quyết định từ chức của ông Mugabe là “thời khắc lịch sử”. Đại sứ quán Mỹ ở Harare nhấn mạnh: “Dù chính phủ nước này có thiết lập thỏa thuận ngắn hạn nào, con đường phía trước phải dẫn tới những cuộc bầu cử tự do, công bằng và toàn diện”.

Về mặt lý thuyết, sau khi tổng thống từ chức và cựu Phó Tổng thống Zimbabwe lên nắm quyền thì cuộc khủng hoảng ở quốc gia này tạm thời được giải quyết. Tuy nhiên, tình hình chính trị tại quốc gia này khó có thể yên ổn nếu không muốn nói đến việc thanh trừng phe cánh đối lập. Nếu tình huống này xảy ra thì không tránh khỏi những cuộc xâu xé mới dự đoán sẽ ác liệt hơn. Mặt khác, căn bệnh trầm kha của cuộc khủng hoảng nền kinh tế nước này đã đang diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn. Do đó nhiệm vụ của một chính phủ mới rất nặng nề, là phải nhanh chóng kêu gọi được tài trợ nước ngoài để vực dậy nền kinh tế. Nhưng điều đó sẽ khó có thể xảy ra nếu cộng đồng quốc tế nhận định rằng diễn biến vừa qua tại Zimbabwe là một cuộc đảo chính, điều mà quân đội nước này bác bỏ.

Giới phân tích lo ngại, sự thay đổi quyền lực ở Zimbabwe hiện nay chỉ mang tính tình thế và tình trạng này liệu có dẫn đến “bình mới nhưng rượu cũ” từng diễn ra ở quốc gia này? Điều này chỉ có thể giải tỏa khi quốc gia Zimbabwe chính thức tổng tuyển cử bầu ra tổng thống và bộ máy chính quyền mới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>