Thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên gián tiếp nói không với Mỹ

29/05/2019 | 08:47 GMT+7

Mới đây, Triều Tiên đã tuyên bố: “Từ bỏ tên lửa là từ bỏ quyền tự vệ”. Điều này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng đã gián tiếp nói không với Mỹ về thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên cho rằng “từ bỏ thử tên lửa là từ bỏ quyền tự vệ”. Ảnh: REUTERS

Phản ứng trước cáo buộc vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc (LHQ) của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khi nhận định về các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) mới đây cho rằng ông Bolton đã sai khi đưa ra “kết luận” như vậy. KCNA cũng nhận định Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ là một “người cuồng chiến tranh” và sẽ là người phá hủy hòa bình và an ninh. Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh “từ bỏ thử tên lửa nghĩa là từ bỏ quyền tự vệ”.

Tuyên bố của Triều Tiên đã gián tiếp thông báo đến Mỹ rằng, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ thử tên lửa cũng như không từ bỏ theo đuổi vũ khí hạt nhân cho dù Mỹ và các nước phương Tây có áp dụng thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia này. Động thái trên đã dấy lên quan ngại, Bình Nhưỡng sẽ quay trở lại khôi phục các bãi thử hạt nhân trước đây đã hủy bỏ để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo thỏa thuận giữa nước này với Mỹ nhằm đổi lại việc xóa bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra hôm 26-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ những quan ngại liên quan tới Triều Tiên. Ông Trump tin tưởng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ giữ đúng những cam kết về phi hạt nhân hóa. Trong trạng thái đăng trên trang Twitter cá nhân khi đang có chuyến thăm Nhật Bản, ông Trump thừa nhận việc Triều Tiên phóng một số loại “vũ khí nhỏ” thời gian qua đã gây quan ngại cho nhiều người, trong đó có người dân Mỹ, song ông khẳng định không bận tâm về những động thái này của Triều Tiên. Ông Trump cũng tuyên bố ông tự tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ giữ lời hứa phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

Từ năm 2018, Triều Tiên đã tham gia các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Mỹ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Trump đều đưa ra một số cam kết về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng 6-2018. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau lần thứ 2 tại Việt Nam vào tháng 2-2019. Tuy nhiên, hội nghị đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 thất bại là do Mỹ, đồng thời cho biết nước này từ chối đàm phán cho tới khi Mỹ thay đổi lập trường về Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm căng thẳng nhưng phía Washington lại đưa ra những đòi hỏi phi thực tế, người phát ngôn này nhấn mạnh.

Trong một động thái liên quan, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ hoàn thành các cuộc thảo luận với các cơ quan cứu trợ LHQ trong tuần này về cam kết hỗ trợ 8 triệu USD cho những dự án nhân đạo tại Triều Tiên. Hiện tại, Triều Tiên đang phải đối mặt với khó khăn về tình trạng thiếu hụt lương thực, Hàn Quốc hy vọng việc thúc đẩy hỗ trợ cho Triều Tiên sẽ giúp mang lại tiến triển cho thế bế tắc trong quan hệ liên Triều và tạo ra xung lực mới cho hội đàm Mỹ - Triều về phi hạt nhân hóa vốn đang giậm chân tại chỗ.

Tuy nhiên, Triều Tiên cho rằng Hàn Quốc đang bị động trong việc cải thiện quan hệ song phương, tái diễn các “hành vi thù địch” bằng cách tiến hành tập trận quân sự với nước ngoài. Cho nên việc làm này không phải là hành động cần thiết để giảm căng thẳng.

Từ những diễn biến trên, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Triều Tiên đã quay trở lại theo đuổi con đường vũ khí hạt nhân. Nếu muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cần có sự cải thiện đúng nghĩa của Mỹ trong hành xử với Triều Tiên.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>