Triều Tiên làm nhiều nước bối rối

05/09/2017 | 07:43 GMT+7

Sau hàng loạt các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, vụ thử bom H lần này được đánh giá là không gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo việc thu nhỏ bom H vào đầu đạn hạt nhân. Ảnh: KCNA

Triều Tiên hôm 3-9 vừa qua đã thử một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên KCTV đưa tin: “Cuộc thử nghiệm thành công hoàn hảo”, là bước tiến “đầy ý nghĩa” trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trước đó cùng ngày, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định các nhà khoa học Triều Tiên đã nâng cấp các đặc tính kỹ thuật của loại bom H nói trên đến một mức độ vô cùng tối tân, dựa trên những thành công thu được từ vụ thử bom H đầu tiên. Loại bom H này có thể được kích nổ ở độ cao lớn để tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) vô cùng nguy hiểm.

Theo giới quan sát, nhiều nước khá bất ngờ về khả năng hạt nhân vượt trội của Triều Tiên. Truyền thông quốc tế cũng ngay lập tức đưa ra những nhận định về các khả năng có thể diễn ra trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất này.

Có ý kiến cho rằng vụ thử mới nhất đã thách thức sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nước này có thể thực hiện các vụ tấn công phủ đầu nhằm răn đe Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều báo lớn đều nhận định, vụ thử này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ cần bắt đầu đối thoại với Triều Tiên.

Tờ Người bảo vệ (Guardian) của Anh nhận định, vụ thử không làm thay đổi nền tảng cơ bản trên bán đảo Triều Tiên, mặc dù tình hình có thể leo thang căng thẳng trong một thời gian. Mỹ có thể tiếp tục phô trương lực lượng, với các biện pháp trừng phạt gia tăng từ Liên Hiệp Quốc hay đơn phương. Tuy nhiên, những gì thiếu trong 8 năm qua bên cạnh hàng loạt các biện pháp trừng phạt vẫn là một giải pháp ngoại giao. Điều quan trọng là chính quyền của Tổng thống Trump liệu có muốn khởi động các cuộc đối thoại, dù muộn màng với Bình Nhưỡng, vào thời điểm này hay không.

Cũng có nhiều nhận định rằng dư luận hiện đang tập trung vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đồng minh thân cận và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên hơn là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chuyên gia phân tích Peter Hayes của Viện nghiên cứu đặc biệt về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ cho rằng, Trung Quốc có quyền lực thực sự, ảnh hưởng đến tính toán của Mỹ. Trung Quốc gần đây cũng bắt đầu ủng hộ các biện pháp trừng phạt xa hơn của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Vụ thử cũng diễn ra đúng vào thời điểm Hội nghị thượng đỉnh BRICS (bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) đang diễn ra tại Trung Quốc. Đây là phép thử vai trò của Trung Quốc trong việc giải bài toán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên với việc thúc đẩy các biện pháp thực tế và mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng sức ép với Triều Tiên cũng như khả năng thuyết phục Mỹ ngồi vào bàn đối thoại.

Còn theo bình luận từ Đài CNN (Mỹ), việc thử bom H thực ra đã làm giảm nguy cơ chiến tranh. Phóng viên Will Ripley của CNN cho hay, sau nhiều biến động, có thể thấy Triều Tiên không có ý định tấn công các nước láng giềng, kể cả khi căng thẳng lên cao đỉnh điểm, và Bình Nhưỡng đã chứng minh được tiềm lực quân sự của mình qua nhiều lần phóng thử tên lửa vào vùng biển, đặc biệt là vụ tên lửa bay qua không phận Nhật Bản rạng sáng ngày 29-8. Nhưng tất cả các vụ thử này không hề gây thiệt hại nào đáng kể, và nếu Triều Tiên thực sự tấn công, không quốc gia nào đảm bảo hệ thống phòng thủ tên lửa có thể 100% cản được tên lửa của họ.

Do đó, theo CNN, Bình Nhưỡng dường như đang “phô trương” sức mạnh quân sự để các nước trong khu vực từ bỏ ý định tấn công quân sự Triều Tiên. CNN dẫn nguồn tin Triều Tiên, cho biết “Triều Tiên không muốn chiến tranh”. Tuy nhiên, chỉ cần một trong các bên có động thái “sai lầm”, thảm họa sẽ là điều không tránh khỏi.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>