Triều Tiên sẽ hành xử thế nào với Mỹ ?

18/12/2019 | 04:20 GMT+7

Quan hệ Mỹ - Triều lại “nóng” lên thời gian gần đây với cảnh báo liên tiếp của Triều Tiên nhằm vào Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.  Ảnh: REUTERS

Theo đó, Bình Nhưỡng đã đặt ra hạn chót vào cuối năm nay để đối thoại hòa bình với Washington nhằm cứu vãn sự bế tắc giữa hai nhà lãnh đạo. Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ gửi món “quà Giáng sinh” cho Mỹ nếu Washington không có động thái quay lại bàn đàm phán. Điều này khiến giới chuyên gia đang tranh luận sôi nổi để giải mã. Tuy nhiên, ngay cả những bộ óc nhạy bén và giàu kinh nghiệm cũng khó có thể dự đoán về những bước đi tiếp theo của Triều Tiên. Tuy vậy, hầu như tất cả các chuyên gia đều có sự đồng thuận rằng Triều Tiên đang quá thất vọng với những gì họ cho là thiếu linh hoạt và sáng tạo từ các nhà đàm phán Mỹ. Do đó, họ buộc phải hành động để phá vỡ “sự im lặng” hiện nay.

Về “quà Giáng sinh” mà Triều Tiên dành cho Mỹ như một động thái trả đũa cho tiến trình đàm phán Mỹ - Triều bế tắc, truyền thông phương Tây đặt ra hai giả thuyết.

Thứ nhất, là Bình Nhưỡng sẽ phóng vệ tinh lên quỹ đạo để cảnh cáo Mỹ và các nước phương Tây. Kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phóng thành công hai vệ tinh lên quỹ đạo. Triều Tiên luôn khẳng định chương trình không gian là vì mục đích hòa bình, khoa học nhưng thực tế một vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tương tự như thử tên lửa đạn đạo. Nếu Triều Tiên sử dụng vệ tinh nhằm vào mục đích quân sự thì nhiều quốc gia sẽ nằm trong tầm ngắm của tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng.

Món quà thứ 2 được đánh giá là “nặng ký hơn” và chắc chắn khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể “thờ ơ”, đó là khả năng Triều Tiên có thể thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc thử hạt nhân. Đây là kịch bản cũ đã từng diễn ra nhưng không phải không có tác dụng đối với Mỹ và các nước đồng minh. Tuy nhiên, điều này sẽ phá vỡ tiến trình ngoại giao đạt được gần đây và chấm dứt mọi hy vọng nới lỏng trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Cho dù chọn “món quà” nào thì vô hình trung Triều Tiên cũng gây ra nguy cơ phá vỡ hoàn toàn tiến trình đàm phán hòa bình mà Mỹ - Triều đã cố công gây dựng.

Căng thẳng đã gia tăng gần đây sau khi Triều Tiên tiến hành một loạt vụ thử vũ khí và gay gắt “khẩu chiến” với Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm dấy lên lo ngại rằng hai nước này có thể quay lại chủ trương xung đột. Cuối tuần qua, Triều Tiên tuyên bố vụ thử gần đây nhất của nước này sẽ thúc đẩy “răn đe hạt nhân chiến lược đáng tin cậy” và kèm theo thông điệp mạnh mẽ khác, trong đó có việc chứng minh khả năng của Triều Tiên tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Về phía Mỹ, đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã lên án những yêu cầu của Bình Nhưỡng là “quá thù địch và tiêu cực và quá thừa thãi”. Ông Stephen Biegun nêu rõ: “Mỹ không có một thời hạn chót và chúng tôi có một mục tiêu”, trong khi Bình Nhưỡng đã đặt ra một thời hạn chót vào cuối năm cho Washington để đưa ra những sự nhượng bộ mới trong các cuộc hội đàm hạt nhân bế tắc. Đồng thời cho rằng, hành động khiêu khích lớn của chính quyền Kim Jong-un trong những ngày tới sẽ “vô ích”.

Hiện tại, Mỹ đã bắt đầu khởi động các cuộc thảo luận với Hàn Quốc nhằm tìm giải pháp về hạt nhân với Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng tăng cường gây sức ép đòi Washington phải nhượng bộ nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bế tắc trước thời hạn chót vào cuối năm nay.

Trong một động thái liên quan, mới đây, ông Stephen Biegun đã đề xuất cuộc gặp với các đối tác Triều Tiên trong thời gian 3 ngày ông ở Seoul, Hàn Quốc. Ông Stephen Biegun nhấn mạnh Mỹ sẽ không bỏ cuộc, mặc dù Triều Tiên đe dọa sẽ có “biện pháp mới” nếu Mỹ không nhượng bộ trước thời hạn chót vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh quỹ thời gian đang ngày càng thu hẹp, có nhiều ý kiến quan ngại cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa sau thời hạn nói trên. Điều này đồng nghĩa với tiến trình đàm phán sẽ trở về vạch xuất phát.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>