Trung - Ấn hạ nhiệt căng thẳng 

29/08/2017 | 08:27 GMT+7

Theo giới truyền thông, ngày 3-9 tới đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc xung đột kéo dài hơn hai tháng qua giữa hai nước Trung Quốc - Ấn Độ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: TIMES OF INDIA

Hội nghị thượng đỉnh BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - sẽ được tổ chức tại Hạ Môn, Phúc Kiến (Trung Quốc) từ ngày 3 đến 5-9 tới đây. Theo đó, nếu Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không tham dự, có nghĩa quan hệ Trung - Ấn đã rơi vào tình trạng “đóng băng” và khả năng bùng nổ chiến tranh giữa hai nước càng tăng cao. Giới phân tích hy vọng rằng, Trung - Ấn vẫn có nhiều “cánh cửa an ninh” để tránh một cuộc chiến tranh, bao gồm việc Thủ tướng Modi với danh nghĩa “tới tham dự Hội nghị BRICS sắp tới tại Trung Quốc”, sau đó hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình để giải quyết khủng hoảng Trung - Ấn.

Tuy nhiên, gạt qua những lo ngại căng thẳng tiếp tục leo thang  khi mới đây Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí nhanh chóng rút lực lượng ở khu vực cao nguyên Doklam và đang triển khai hoạt động này. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 28-8 cho biết nước này đồng ý với Trung Quốc “rút quân khẩn cấp” tại khu vực tranh chấp biên giới, nơi binh sĩ hai nước đối đầu hơn 2 tháng qua. Đề cập đến khu vực tranh chấp ở dãy Himalaya gần biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: “Trong những tuần gần đây, Ấn Độ và Trung Quốc đã duy trì liên lạc ngoại giao về vấn đề tại Doklam. Dựa trên cơ sở đó, việc rút quân nhanh chóng tại khu vực cao nguyên Doklam được nhất trí và đang diễn ra”.

Động thái rút quân khẩn cấp diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRISC tại TP.Hạ Môn - Trung Quốc vào đầu tháng 9. Dự kiến hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo đến từ 5 quốc gia, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết hai bên đã bày tỏ quan điểm, mối lo ngại và lợi ích của mình trong những tuần qua. Trung Quốc và Ấn Độ duy trì các kênh ngoại giao kể từ khi Bắc Kinh xâm phạm biên giới tại Doklam vào ngày 16-6.

Xung đột Trung - Ấn bắt đầu từ trung tuần tháng 6-2017 khi phía New Delhi chỉ trích Bắc Kinh cố tình thay đổi hiện trạng ở khu vực cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang).  Thời điểm này Bắc Kinh bắt đầu xây dựng đường trên cao nguyên Doklam thuộc Bhutan. Sau khi phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc. Khoảng 300-400 lính Ấn Độ sau đó tiến vào Doklam, ngăn chặn đơn vị công binh Trung Quốc, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng trong suốt 2 tháng qua ở khu vực này.

Vào đầu tháng 8, trang Times of India đưa tin có dấu hiệu thấy Trung Quốc sẵn sàng tấn công ở cao nguyên, nơi Bắc Kinh triển khai quân đội và máy móc hạng nặng để xây dựng một con đường trên lãnh thổ Bhutan. Hôm 25-8, Trung Quốc còn chỉ trích mạnh mẽ Ấn Độ trong khi thảo luận các báo cáo cho rằng New Delhi đang xây dựng một con đường từ Marsimik La đến Hot Spring ở Ladakh. Tuần trước, Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo du lịch liên quan đến bệnh truyền nhiễm và thảm họa thiên nhiên đối với công dân nước này đang ở Ấn Độ hoặc có ý định đến New Delhi. Đây là khuyến cáo thứ hai của Trung Quoc nhằm tạo sự sợ hãi và giảm lượng du khách đến Ấn Độ với hy vọng New Delhi sẽ chịu áp lực.

Cao nguyên Doklam nằm tiếp giáp với ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, là khu vực đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan, hai quốc gia không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ấn Độ ủng hộ nước láng giềng Bhutan trong vấn đề tranh chấp ở khu vực này.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>