Trưng cầu ý dân đòi quyền tự trị ở Italia: Dấu hiệu của sự chia rẽ

26/10/2017 | 09:17 GMT+7

Sau vùng Catalonia tại Tây Ban Nha, mới đây hai khu vực giàu có nhất tại phía Bắc Italia cũng đã bỏ phiếu trưng cầu ý dân đòi quyền tự trị. Điều này sẽ làm gia tăng phong trào ly khai ở châu Âu.

Người dân thành phố Milan ủng hộ tự trị của 2 vùng miền Bắc. Nguồn: AFP

Với kết quả sơ bộ được công bố, có hơn 90% người dân ở hai khu vực Lombardy và Veneto phía Bắc Italia chọn bỏ phiếu “đồng ý” về mức độ tự trị đã làm thay đổi mục tiêu ban đầu của chính quyền nơi đây. Theo đó, cuộc trưng cầu ý dân ban đầu chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng sau đó sẽ là tiến trình đòi quyền tự trị khỏi chính quyền Italia. Đáng lưu ý là hai khu vực miền Bắc Lombardy và Veneto chiếm tới 25% dân số Italia và đóng góp tới 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính vì lợi thế kinh tế mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và phúc lợi xã hội cao hơn so với mức trung bình cả nước nên hai vùng này muốn Chính phủ Italia trao cho họ quyền tự quyết lớn hơn trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và môi trường.

Theo quy định, vùng Veneto phải có số cử tri tham gia bỏ phiếu lớn hơn 50% thì mới được cho là hợp lệ, còn với Lombardy thì không quy định. Nếu số phiếu thấp họ sẽ không có lợi thế trong việc đòi quyền tự trị từ Chính phủ Italia. Kết quả bước đầu cho thấy lượng cử tri đi bỏ phiếu chỉ có hơn 40% tại Lombardy và 57% tại Veneto.

Chuyên gia phân tích tình hình khu vực Paola Cavadi nhận định: “Cuộc trưng cầu ý dân này là tượng trưng và không bắt buộc nhưng sẽ mở đường cho các cuộc đối thoại với chính quyền trung ương để đảm bảo quyền tự trị lớn hơn”. Những người đứng đầu hai khu vực Lombardy và Veneto đều hy vọng một ngày nào đó họ sẽ giành lại ít nhất 1 phần trong khoản thuế 54 tỉ euro mà Lombardy phải chuyển cho chính phủ trung ương.

Tuy nhiên, nhiều người dân trong vùng cho rằng, cuộc bỏ phiếu là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc, vì Hiến pháp Italia cho phép các khu vực tiến hành đàm phán bất cứ lúc nào với chính phủ trung ương để đảm bảo quyền lợi hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với việc nếu họ muốn nhiều quyền tự trị hơn, họ có thể đưa ra yêu cầu với chính phủ và ngồi xuống bàn đàm phán. Nên cuộc trưng cầu ý dân này là vô giá trị và không cần thiết.

Mặc dù về lý thuyết là vậy nhưng giới quan sát cũng cảnh báo, việc khu vực phía Bắc giàu có muốn giành nhiều tiền hơn từ chính phủ sẽ gây ra những vấn đề cho các khu vực kém phát triển ở phía Nam Italia. Giáo sư sử học Trường Đại học Luiss-Guido Carli tại Italia Giovanni Orsina, cho rằng nếu chính phủ trung ương nhượng bộ về tài chính cho phía Bắc sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ khu vực phía Nam, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ vốn có giữa hai miền. Cuộc bỏ phiếu cũng có thể mang lại hiệu ứng “domino” đối với nhiều vùng trên lãnh thổ Italia như Liguria và Emilia Romagna.

Việc đòi quyền tự trị của Lombardy và Veneto được cho là do ảnh hưởng từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha hiện nay khi vùng tự trị Catalonia đang đòi độc lập. Nếu sự việc trên xảy ra sẽ là động lực xúc tác đẩy nhanh tiến trình chia rẽ trong nội bộ Italia và cả EU. Tự trị hay ly khai là một vấn đề khá nhạy cảm và không được ủng hộ tại châu Âu, do vậy không lấy gì làm lạ khi chính phủ trung ương Italia không đồng thuận.

Italia hiện có 20 vùng, trong đó có 5 vùng đang được hưởng quy chế tự trị đặc biệt. Các hội đồng vùng Sardinia, Sicily, Trentino-Alto Adige/Sudtirol, Aosta Valley và Friuli-Venezia Giulia đã được Chính phủ Italia trao cho các thẩm quyền đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý và lập pháp. Hai vùng Lombardy và Veneto đang đấu tranh để được trao các quyền này, trong đó có việc kiểm soát lớn hơn về tài chính là vấn đề quan trọng nhất.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>