Trung Quốc có nhượng bộ Mỹ trong cuộc chiến thương mại ?

14/12/2018 | 07:31 GMT+7

Trung Quốc đang cân nhắc cắt giảm thuế đối với xe nhập khẩu từ Mỹ, trong một động thái có thể giúp giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trung Quốc cân nhắc cắt giảm thuế đối với ô tô và xe tải nhập khẩu từ Mỹ.    Ảnh: Reuters

Trang Bloomberg đưa tin, mới đây một đề xuất giảm thuế từ 40% xuống còn 15% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ đã được trình lên Nội các Trung Quốc và sẽ được thảo luận thông qua trong vài ngày tới. Dù chưa có quyết định chính thức nhưng động thái trên của Trung Quốc phần nào đáp ứng được mong muốn từ phía Mỹ.

Liên quan tới những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các quan chức thương mại Trung Quốc và Mỹ đã điện đàm nhằm duy trì đối thoại giữa 2 nước về các vấn đề thương mại. Những động thái trên là bước đi tiếp theo của kế hoạch “90 ngày hòa hoãn” được thông qua tại cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 ở Argentina hồi đầu tháng này. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí chưa áp đặt các biện pháp đánh thuế bổ sung sau ngày 1-1-2019. Theo đánh giá của truyền thông quốc tế, đây là sự “đồng thuận quan trọng” mà chưa phải là bước đột phá bởi những khác biệt còn quá nhiều giữa hai bên.

Trước đó, trang web Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) đăng bài bình luận cho rằng, 2 bên đã nhất trí “hãm phanh” leo thang xung đột thương mại để giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán và đó là hướng đi đúng, tiến tới hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Ông Vương Huy Diệu, Chủ tịch Trung tâm Toàn cầu hóa Trung Quốc, cho rằng: “Tạm dừng áp thuế mới được coi là cam kết mà 2 bên cần nỗ lực thực hiện. Vài tháng tới, hai bên sẽ phải cố gắng thu hẹp các bất đồng dù khó khăn tới mức nào bởi nền kinh tế của 2 nước rất gắn kết, có quan hệ chặt chẽ, không bên nào có lợi nếu xảy ra tranh chấp. Tôi không dám chắc thời hạn 90 ngày có đạt được hay không nhưng về lâu về dài, hai nước sẽ phải giải quyết bằng được các tranh chấp”.

Giới quan sát cho rằng, việc giảm thuế là một chiến thắng lớn của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại. Điều này có thể giúp củng cố lập luận của ông Trump về các chiến thuật cứng rắn được sử dụng đối với Trung Quốc.

Thực tế hiện nay, hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm cả hai bên đều thiệt hại nhưng người bị thiệt hại nặng hơn vẫn là Bắc Kinh. Hay nói cách khác, Bắc Kinh đang yếu thế hơn Washington. Bởi lẽ, theo các nhà quan sát, đòn thuế quan của chính quyền Trump đang trở thành “vai phụ” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trọng tâm thực sự của cuộc chiến đang nhằm vào ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ trong lĩnh vực này.

Mặt khác, khi nhìn vào phản ứng của Trung Quốc sau vụ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ do Mỹ nhờ Canada thực hiện thì dễ nhận thấy Bắc Kinh chưa quyết liệt. Dù gọi vụ việc này là vi phạm nhân quyền, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục hướng tới những cam kết đạt được trong cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Donald Trump hồi đầu tháng này.

Trong khi đó, Mỹ muốn “đánh” vào Huawei và coi đây là át chủ bài, là đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Bởi Huawei là “con cưng” trong kế hoạch đầy tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc. Tổng thống Trump không hề che giấu ý định tận dụng vụ bắt giữ sếp Huawei để làm lá bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nếu cần thiết. Ông Trump khẳng định: “Bất cứ điều gì có lợi cho nước Mỹ, tôi sẽ làm. Nếu tôi nghĩ điều đó tốt cho thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước tới nay (giữa Mỹ và Trung Quốc), hay bất cứ điều gì tốt cho an ninh quốc gia, tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu cần thiết”.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Mỹ cũng cần phải “tỉnh táo” và thận trọng, bởi Trung Quốc mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ “yếu thế” hơn, nhưng không phải không có cách đáp trả. Đáng quan ngại là hiện một loạt tập đoàn Mỹ chọn Trung Quốc làm nơi đặt nhà máy sản xuất sản phẩm, lắp ráp linh kiện, trong đó có Apple, Cisco, Dell, Ford… Tất nhiên, nếu Mỹ không muốn “buông tha” Huawei, Trung Quốc có thể sẽ đáp trả tương tự với những tập đoàn của Mỹ tại nước này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>