Ukraine quay lưng lại với Nga

13/12/2018 | 06:28 GMT+7

Tổng thống Ukraine Poroshenko vừa ký ban hành luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác với Nga; đồng thời chỉ thị cho Bộ Ngoại giao rút lại các hiệp định song phương và khung pháp lý liên quan tới nước này. Văn kiện này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-4-2019.

Ba tàu Hải quân Ukraine bị lực lượng tuần duyên thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ do xâm phạm lãnh hải Nga ở eo biển Kerch ngày 25-11-2018. Nguồn: THX/TTXVN

Trước đó, Tổng thống Poroshenko đã ký ban hành sắc lệnh về ngừng hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine, theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (SNBO) về việc chấm dứt hiệp ước trên. Nội các Ukraine cũng đã chỉ thị Bộ Ngoại giao thông báo cho Nga và các tổ chức quốc tế về quyết định của Kiev chấm dứt Hiệp ước này.

Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1-4-1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước này quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine xấu đi kể từ đầu năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Tiếp sau đó là tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine liên tục leo thang, Kiev cáo buộc Matxcơva đứng phía sau giật dây. Kể từ đó, quan hệ hai nước luôn gia tăng căng thẳng với các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. “Giọt nước tràn ly” vào ngày 25-11 vừa qua, Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine.

Nhằm trả đũa với những động thái trên của Nga, Kiev đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, bắt đầu từ ngày 26-11, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Nga là nam giới trong độ tuổi từ 16-60. Hệ quả của những vụ việc nêu trên đã dẫn tới việc Tổng thống Ukraine Poroshenko ký ban hành luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác với Nga. Đây được xem là động thái cắt đứt mối quan hệ giao hảo được xây dựng và ký kết gần 20 năm nay giữa hai nước.

Về phần mình, Nga tuyên bố lấy làm tiếc về động thái mang tính “phá hoại” của Ukraine. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng văn kiện này có ý nghĩa nền tảng trong quan hệ song phương, nếu bị chấm dứt thì phía Ukraine thiệt hại nhiều hơn so với Nga.

Chuyên gia chính trị Alexey Chesnakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xu hướng chính trị, cho rằng quyết định của chính quyền Ukraine rút khỏi Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác với Nga sẽ gây trở ngại lớn tới các cuộc đàm phán về Biển Azov và eo biển Kerch, bao gồm Bộ tứ Normandy (Đức, Pháp, Nga và Ukraine). Chuyên gia Alexey Chesnakov cho rằng quyết định của Kiev cũng sẽ xóa bỏ cơ sở pháp lý cho thỏa thuận song phương hiện nay về tự do hàng hải trên Biển Azov và eo biển Kerch, vốn chủ yếu dựa trên hiệp ước hữu nghị. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine đã tự ý tước bỏ quyền tự do hàng hải của mình trong khu vực này.

Cùng thời gian này, cả Ukraine và Nga đều gia tăng lực lượng quân sự ở khu vực giáp biên giới ven bờ Biển Đen và Biển Azov chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh diễn ra. Giới quan sát nhận định sự cứng rắn trong quan hệ ngoại giao giữa Ukraine và Nga trong tình hình này là không cần thiết. Một giải pháp hòa đàm sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng là liều thuốc hữu hiệu hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>