Ukraine tuyên bố sẵn sàng chiến tranh

06/12/2018 | 08:13 GMT+7

Nhiều động thái cứng rắn của Ukraine gần đây đã làm gia tăng căng thẳng với Nga. Nguy cơ một cuộc chiến sẽ xảy ra nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.

Xe thiết giáp cùng các binh sĩ trong cuộc tập trận ở Chernihiv, Ukraine ngày 28-11.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Poroshenko kêu gọi binh sĩ nước này sẵn sàng cho chiến tranh, nhấn mạnh kẻ thù phải trả giá đắt cho quyết định vô trách nhiệm xâm chiếm lãnh thổ Ukraine. Kẻ thù mà Kiev muốn nhắm đến là Nga vì các hoạt động tranh chấp gần đây. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cáo buộc Nga đang tập trung một lực lượng quân đội lớn với khoảng 80.000 binh sĩ, 1.400 pháo binh và rocket, 900 xe tăng, 2.300 xe chiến đấu bọc thép, 500 máy bay và khoảng 300 trực thăng bao vây quanh khu vực Donbass và Crimea. Ông Poroshenk cho rằng, Matxcơva đang lên kế hoạch chiếm 2 thành phố cảng Berdyansk và Mariupol để có được hành lang trên bộ từ Donbass đến Crimea. Người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Ukraine Vadym Skibitsky cho biết các lực lượng này của Nga đều đang ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và đều có kinh nghiệm tác chiến ở Syria.

Trong một động thái liên quan, Ukraine đã triển khai rầm rộ các cuộc tập trận với đích thân Tổng thống Petro Poroshenko giám sát. Cùng thời gian này, Ukraine cũng đã bắt đầu triệu tập lực lượng dự bị động viên và triển khai thêm quân đến biên giới với Nga nhằm đáp lại “sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga dọc theo biên giới của Ukraine và khu vực chiếm đóng Crimea”. Đây được xem là hành động khiêu khích sẵn sàng đối đầu với Nga của Kiev.

Tổng thống Poroshenko cũng đã trình Quốc hội một dự luật khẩn về việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine. Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1-4-1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.

Về đối ngoại, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi Đức cùng đồng minh tăng cường hiện diện hải quân tại Biển Đen nhằm ngăn chặn hành động của Nga sau vụ bắt giữ tàu và thủy thủ của nước này ở eo biển Kerch.

Về phía Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Maria Zakharova đã bác bỏ những cáo buộc trên của Kiev, đồng thời khẳng định chính Nga mới là nước bảo vệ châu Âu khỏi sự man rợ, tàn bạo, khủng bố, xâm lược và quân sự hóa đang bao trùm lục địa già. Nga cho rằng, chính quyền Ukraine mới là “nơi bắt nguồn khiêu khích”. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Peskov cho biết: “Tuyên bố của Kiev là hoàn toàn vô lý. Nga chưa bao giờ xâm lược hay tạo ra hành lang tại bất cứ nơi nào”. Bên cạnh đó, Nga còn ủng hộ ý kiến của cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, khi cho rằng Đức không nên bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh.

Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi Nga sáp nhập trở lại Crimea và tình hình đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải hôm 25-11 vừa qua. Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc này và cáo buộc lẫn nhau. Ukraine gọi đây là “hành động có chủ định” của phía Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ việc tại Biển Đen là một “sự cố biên giới” và việc Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh là “một phản ứng thái quá”.

Hiện nay, tình hình giữa Nga và Ukraine tiếp tục căng thẳng sau khi hai bên tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới. Điều này đã dấy lên quan ngại một cuộc chiến sẽ nổ ra trong nay mai nếu như không có giải pháp hạ nhiệt căng thẳng giữa các bên liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>