Vẫn chưa có giải pháp khả thi về người di cư

08/06/2018 | 07:34 GMT+7

Làn sóng người di cư tị nạn tiếp tục tràn vào châu Âu làm cho các quốc gia EU rơi vào tình thế khó khăn.

Trung bình mỗi năm, châu Âu phải tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi và các quốc gia đang bị nghèo, đói, dịch bệnh và chiến tranh khác. Trong năm 2017, chỉ riêng Italia đã phải tiếp nhận và xử lý gần 120.000 trong tổng số hơn 170.000 người tị nạn đổ về châu Âu. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu khác như Hungary, Áo hay Ba Lan thì kiên quyết từ chối tiếp nhận người tị nạn vào nước mình.

Người tị nạn Syria. Ảnh: EPA

Tân Thủ tướng Italia Giuseppe Conte mong muốn châu Âu áp dụng một hệ thống bắt buộc mọi nước thành viên EU phải tiếp nhận các đơn của người tị nạn. Theo đó, Italia muốn EU hủy bỏ quy định Dublin về việc người tị nạn phải nộp đơn xin tị nạn tại nước châu Âu đầu tiên đặt chân đến, để qua đó buộc tất cả các nước khác thuộc Liên minh san sẻ trách nhiệm. Về phần mình, chính phủ của Italia đang siết chặt các quy định về người tị nạn trên đất Italia và dự định trục xuất hàng trăm ngàn người trong 1 năm tới.

Thực tế, nhiều năm qua Italia đã trở thành nạn nhân của sự ích kỷ của nhiều nước khác trong EU và phải một mình gánh chịu các chi phí tài chính cũng như gánh nặng an ninh đến từ dòng người tị nạn ồ ạt đổ về châu Âu từ Trung Đông và Bắc Phi.

Trong khi đó, các quốc gia trong khối EU lại có cách hành xử riêng đối với người tị nạn. Trước tiên phải nói đến Đức, quốc gia có nhiều chính sách khá thoáng trong việc tiếp nhận người di cư, tuy nhiên thời gian gần đây, Đức cũng không còn thiết tha với người nhập cư. Mới đây, chính quyền bang Bayern tại Munchen, Đức đã thông qua một kế hoạch tị nạn, theo đó, Bayern muốn trục xuất những người xin tị nạn bị từ chối từ tháng 8 bằng cách để họ hồi hương bằng máy bay nếu cần thiết.

Còn tại Pháp, cảnh sát nước này tiếp tục giải tỏa các khu trại tạm chứa người nhập cư trái phép ở thủ đô Paris sau chiến dịch được Chính phủ nước này phát động từ tuần trước. Trong 3 năm qua, nhà chức trách Pháp đã tiến hành 35 chiến dịch giải tán các khu trại tương tự trong bối cảnh hàng nghìn người di cư vẫn tìm cách vào nước này với hy vọng thay đổi cuộc sống.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất “một hệ thống linh hoạt” có nghĩa là sự phân chia lao động. Theo đó, những nước châu Âu không chịu tiếp nhận người nhập cư có thể bồi thường bằng cách đóng góp tài chính cho những nước ở tuyến đầu trong vấn đề này. Tuy nhiên, đề xuất này đã sớm bị Thủ tướng Czech Andrej Babis phản đối và cho rằng các nước cần phải ngăn chặn tình trạng nhập cư trên toàn châu lục, đồng thời hỗ trợ người dân ở Syria và các nước Trung Đông trở về nước.

Trong một động thái liên quan, mới đây các Bộ trưởng Nội vụ châu Âu, nhóm họp tại Luxembourg, đánh giá sự chia rẽ ngày càng sâu sắc bất chấp đề xuất thỏa hiệp được nước chủ tịch luân phiên Bulgaria đặt lên bàn thảo luận. Các nước thành viên EU thừa nhận còn xa mới đạt được thỏa thuận giải quyết bế tắc trong cải cách hệ thống tị nạn của EU.

Bộ trưởng Nội vụ Bulgaria Valentin Radev tuyên bố việc tìm được một thỏa hiệp sẽ rất khó khăn, nhưng ông tin rằng tất cả đang đi đúng hướng và hy vọng các lãnh đạo các nước EU sẽ đưa ra quyết định hợp lý nhất vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, tình hình cho thấy khó có đột phá tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6, vốn được coi là mấu chốt để cải cách Hiệp định Dublin - văn bản luật quy định quốc gia nào chịu trách nhiệm cho việc xin tị nạn - hiện đã lỗi thời. Do vậy một giải pháp khả thi mang tính dung hòa quyền lợi của các bên liên quan vẫn còn ở phía trước.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>