Vấn nạn ô nhiễm môi trường

23/10/2017 | 08:27 GMT+7

Ô nhiễm môi trường từ tình trạng không khí bẩn đến nguồn nước bị nhiễm khiến con người thiệt mạng mỗi năm nhiều hơn tất cả các thảm họa khác gây nên. Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân lớn nhất gây ra bệnh tật và chết chóc trên thế giới ngày nay, tước đi sinh mạng của khoảng 9 triệu người, riêng trong năm 2015 - tức cứ 6 người thiệt mạng thì có 1 người chết do ô nhiễm.

Thủ đô New Delhi chìm trong khói độc hại sau lễ hội ánh sáng Diwali. Ảnh: XINHUA

Trong những ngày qua, tại nhiều khu vực của thành phố Delhi (Ấn Độ), mức độ ô nhiễm không khí PM2.5 đã lên mức 1.100 microgram/m3, gấp 11 lần so với quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đặc biệt, tại những khu vực đông dân cư, chỉ số PM2.5 đã lên đến 1.179 microgram/m3 vào thời điểm nửa đêm khi các đợt đốt pháo lên tới đỉnh điểm. Trong đợt ô nhiễm sau ngày lễ hội vào năm 2016, chỉ số ô nhiễm đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 20 năm, buộc Chính phủ Ấn Độ phải đóng cửa các trường học và một nhà máy nhiệt điện chạy than.

Đi kèm với phát triển, thế giới cũng đang đối đầu với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Dựa trên dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nguồn khác, công trình nghiên cứu của hơn 40 nhà nghiên cứu kể trên xác định sát thủ gây chết chóc nhiều nhất là ô nhiễm không khí, dẫn đến các căn bệnh không nhiễm trùng như bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi... Khoảng 6,5 triệu người mất mạng mỗi năm do ô nhiễm không khí - chiếm 2/3 tổng số cas tử vong do ô nhiễm, bao gồm từ các nguồn ngoài trời (chủ yếu là khí thải xe cộ và công nghiệp) và trong nhà (đốt củi hoặc than). Ủy ban Ô nhiễm và Sức khỏe còn khẳng định ô nhiễm gây thiệt hại khoảng 4.600 tỉ USD/năm (tương đương hơn 6% GDP toàn cầu) và đe dọa sự sống còn của loài người.

Xếp sau ô nhiễm không khí là ô nhiễm nước, thủ phạm khiến 1,8 triệu người chết; còn ô nhiễm tại nơi làm việc (bao gồm nhiễm các chất độc, chất sinh ung thư và hút thuốc thụ động) liên quan đến 800.000 người tử vong trên toàn cầu.

Giáo sư Philip Landrigan cho biết số cas tử vong do ô nhiễm liên quan đến hiện đại hóa đang tăng nhanh trong khi những cái chết do ô nhiễm “truyền thống” - nước nhiễm bẩn và nấu ăn bằng củi - lại giảm. Theo ông, số cas tử vong do ô nhiễm môi trường ở Đông Nam Á có nguy cơ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Đại đa số cas tử vong liên quan đến ô nhiễm - khoảng 92% - đều ở các quốc gia có thu nhập thấp và đang công nghiệp hóa nhanh. Theo số liệu năm 2015, Ấn Độ có số người chết do ô nhiễm nhiều nhất (2,5 triệu người), tiếp theo là Trung Quốc (1,8 triệu). Nói vậy không có nghĩa các nước giàu thoát được ô nhiễm bởi Mỹ, Nhật có mặt trong tốp 10 nước có nhiều người chết do ô nhiễm “hiện đại” nhất trong khi Anh, Nhật, Đức xuất hiện trong tốp 10 nước có nhiều người chết do ô nhiễm tại nơi làm việc.

Theo kết quả nghiên cứu thì tình trạng ô nhiễm gây thiệt mạng nhiều hơn do hút thuốc, đói khát hay vì thảm họa thiên nhiên. Số chết vì ô nhiễm cao hơn tổng số do các bệnh AIDS, lao phổi và sốt rét gộp lại. Tuy nhiên những  trường hợp tử vong sớm được nghiên cứu đưa ra cũng chỉ là ước tính một phần, con số thực những người chết do ô nhiễm không nghi ngờ gì còn cao hơn và chỉ được định lượng chính xác một khi có thêm nghiên cứu và phát triển thêm những phương pháp thẩm định các tác động nguy hại do ô nhiễm gây ra.

Cải thiện môi trường sống là một trong những vấn đề quan trọng của thế giới hiện nay. Đối với Trung Quốc, cải thiện môi trường sống là một trong những ưu tiên hàng đầu được đề cập tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra. Song song với nhiều giải pháp quyết liệt như kiên quyết đóng cửa các nhà máy ô nhiễm, Chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ vốn vay, cho doanh nghiệp vay ưu đãi. Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại để phát triển bền vững.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>