Vì sao các quốc gia Trung Đông nhập khẩu nhiều vũ khí ?

14/03/2018 | 07:32 GMT+7

Trong vòng 10 năm, kim ngạch nhập khẩu vũ khí của các nước vùng Trung Đông tăng gấp đôi. Đây là hệ quả của cuộc chiến tranh kéo dài ở nhiều quốc gia như Iraq, Syria, Yemen...

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) (một viện nghiên cứu độc lập làm nhiệm vụ theo dõi hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu theo từng giai đoạn 5 năm) của Thụy Điển cho biết, kim ngạch nhập khẩu vũ khí vào các quốc gia ở Trung Đông đã tăng 103% trong giai đoạn 2008-2017, chiếm trên 30% kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017. Nhà nghiên cứu cấp cao SIPRI Pieter Wezeman cho rằng: “Mặc dù quan ngại về nhân quyền đã dẫn tới tranh luận chính trị tại Tây Âu và Bắc Mỹ về việc hạn chế các thương vụ vũ khí. Tuy nhiên, Mỹ và các nước châu Âu vẫn là các nhà xuất khẩu vũ khí chính cho khu vực này và cung cấp hơn 98% số lượng vũ khí nhập khẩu vào vùng này”.

Máy bay Mỹ tham gia không kích IS. Nguồn: AFP

Theo Cổng thông tin “Elaf”, Saudi Arabia hiện đã vượt Ấn Độ trở thành quốc gia nhập khẩu thiết bị quân sự lớn nhất thế giới thời gian gần đây. Trước đó, Saudi Arabia là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ - nước không có nền sản xuất vũ khí ở cấp quốc gia. Cụ thể, Saudi Arabia đã nhập khẩu số lượng trang thiết bị quân sự trị giá 6,4 tỉ USD, trong khi đó Ấn Độ chỉ nhập khẩu vũ khí trị giá 5,5 tỉ USD. Báo cáo cũng dự đoán Saudi Arabia sẽ tiếp tục giữ ngôi đầu bảng với tổng chi tiêu 9,8 tỉ USD cho quốc phòng vào cuối năm nay. Sở dĩ, Saudi Arabia thu mua nhiều trang thiết bị vũ khí là do tình trạng chiến tranh, xung đột, bạo lực, chính trị bất ổn ở các nước láng giềng trong khu vực như Syria, Iraq và Yemen… kéo dài.

Trong số các nước bán vũ khí, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới khi chiếm 33% thị phần (tăng 3%), trong khi Nga đứng thứ 2 với 23% (giảm 1%), Trung Quốc đứng thứ 3 với 6,2% (tăng 2,4%), Pháp đứng thứ 4 với 6%, giảm 0,9% và Đức đứng thứ 5 với 5,6%, giảm 3,8%.

Trong một thông tin liên quan, trước đó Chính phủ Australia sẽ thành lập một quỹ trị giá 3,8 tỉ USD để hỗ trợ những nhà xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng nhằm đưa nước này vào nhóm 10 nước đứng đầu về xuất khẩu vũ khí. Hiện Australia đang đứng ở vị trí thứ 20 những nhà xuất khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh năng lực sản xuất và bán vũ khí. Xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh tăng 38% trong giai đoạn 2013-2017 với đối tác lớn, như: Myanmar, Bangladesh và Pakistan.

Thực tế, những năm gần đây tình trạng bất ổn chính trị diễn ra ở nhiều quốc gia Trung Đông đi kèm với cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tác động rất lớn làm gia tăng trang bị vũ khí nên kim ngạch nhập khẩu vũ khí các nước tại đây tăng nhanh. Mặt khác, một số quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vũ khí mạnh có nhu cầu xuất khẩu số lượng lớn nên đã thúc đẩy xuất khẩu vũ khí vào các nước Trung Đông. Điều này cũng đồng nghĩa với phương tiện giết người hiện đại ngày càng gia tăng và cuộc chiến ở các quốc gia Trung Đông này ngày càng ác liệt hơn.

SIPRI công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua do nhu cầu từ khu vực Trung Đông và châu Á. Theo viện này, giai đoạn 2012-2016, lượng vũ khí nhập khẩu của các nước châu Á và châu Đại Dương chiếm 43% mức nhập khẩu toàn cầu, tăng 7,7% so với giai đoạn 2007-2011. Tỷ lệ của các nước Trung Đông và Vùng Vịnh tăng từ 17% lên 29%, bỏ xa châu Âu (11%, giảm 7%), châu Mỹ (8,6%, giảm 2,4%) và châu Phi (8,1%, giảm 1,3%).

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>