Vụ thanh trừng lớn tại Arab Saudi

07/11/2017 | 08:02 GMT+7

Thái tử Mohammed bin Salman, Bộ trưởng Quốc phòng Arab Saudi đã gây chấn động Trung Đông khi cuối tuần qua ra lệnh bắt giữ ít nhất 11 hoàng tử, 4 bộ trưởng và nhiều quan chức cấp cao khác với cáo buộc tham nhũng. Các nhà phân tích cho rằng, đây có thể là động thái củng cố quyền lực.

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman.

Hàng loạt vụ bắt giữ nói trên diễn ra sau khi Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud ra lệnh thành lập ủy ban chống tham nhũng mới do con trai là Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu. Ủy ban mới này được trao nhiều quyền lực trong việc điều tra, ra lệnh bắt giữ, hạn chế đi lại và đóng băng tài sản. Động thái này được cho là trao thêm quyền kiểm soát các cơ quan an ninh cho Thái tử Mohammed.

Danh sách những người bị bắt giữ bao gồm Hoàng tử Miteb bin Abdullah, con trai của cựu Quốc vương Arab Saudi Abdullah bin Abdulaziz al-Saud. Miteb bin Abdullah hiện đang là người đứng đầu lực lượng vệ binh quốc gia. “Vệ binh quốc gia vốn được coi là lực lượng cân bằng quyền lực trong hoàng gia. Nhưng giờ đây Thái tử Salman đã chạm tới sự cân bằng này”, nhà phân tích chuyên nghiên cứu về Arab Saudi nói.

Theo các chuyên gia, Thái tử Mohammed bin Salman dường như muốn phá bỏ hệ thống quyền lực truyền thống ở Arab Saudi, vốn gây chia rẽ trong gia đình hoàng gia. Thái tử 32 tuổi muốn nắm nhiều quyền lực hơn, thúc đẩy các dự án đầy tham vọng nhằm xây dựng Arab Saudi trong thời đại mới. Tháng trước, Thái tử Salman công bố kế hoạch xây dựng siêu thành phố trị giá 500 tỉ USD, trải rộng qua ba nước với diện tích lớn gấp 33 lần thành phố New York của Mỹ. Thái tử Salman khi đó nói: “Tôi đảm bảo rằng không một ai liên quan đến tham nhũng được tha thứ, dù là hoàng tử, hay các bộ trưởng hoặc bất kỳ ai khác”.

Giới quan sát nhận định, Thái tử Salman muốn loại những hoàng tử già nua, vốn là nguyên nhân làm thâm hụt ngân khố hoàng gia và mở ra con đường phát triển mới với sự trợ giúp của các hoàng tử trẻ hơn. Theo nhà báo Arab Saudi Jamal Khashoggi, tham nhũng ở Arab Saudi không giống như các quốc gia khác. Người bị cáo buộc tham nhũng không đơn giản là nhận tiền hối lộ, nhận quà đắt tiền hay sử dụng tài sản công như máy bay của chính phủ để đi du lịch. Tham nhũng ở Arab Saudi còn nhắm tới các quan chức, hoàng tử trở thành tỉ phú nhanh chóng nhờ lũng đoạn nền kinh tế. Một ví dụ điển hình là việc xây dựng sân bay ở sai vị trí, chỉ nhằm mục đích làm lợi cho một hoàng tử sở hữu vùng đất đó. Hoàng tử vốn được chính phủ cấp đất đai nhưng sau đó lại thu lời hàng trăm triệu USD nhờ chi phí bồi thường. Năm ngoái, Thái tử Salman nói trên Bloomberg rằng, “có ít nhất 100 tỉ USD bị chi tiêu không hiệu quả, tương đương với một phần tư ngân sách hoàng gia”. Cụm từ “chi tiêu không hiệu quả” mà Thái tử Salman nhắc đến khi đó còn nhẹ hơn so với tham nhũng ngày nay. Tác giả Jamal Khashoggi nhận định, việc các hoàng tử Arab Saudi thao túng đất đai là nguyên nhân khiến dưới 40% người dân nước này mua được nhà. Nguồn cung dầu mỏ chỉ có hạn, nếu như để các hoàng tử lũng đoạn kinh tế, tư lợi thì Arab Saudi sớm muộn cũng sẽ đánh mất vị thế là một quốc gia giàu mạnh.

Tác động của vụ thanh trừng khiến thị trường chứng khoán Arab Saudi giảm điểm ngày 5-11. Đáng chú ý, chỉ số TASI có lúc giảm đến 1,5% trong vòng 8 phút. Riêng cổ phiếu của Công ty Đầu tư Kingdom Holding, do Hoàng tử Alwaleed làm chủ, trượt 9,9%.

Nhiều nhà phân tích cho rằng “cuộc thanh trừng” nói trên không chỉ nhằm chống tham nhũng mà còn loại bỏ bất kỳ sự chống đối tiềm tàng nào đối với Thái tử Mohammed trong bối cảnh ông đang thúc đẩy một chương trình cải cách đầy tham vọng và gây tranh cãi. Một chuyên gia giấu tên tại một ngân hàng lớn ở vùng Vịnh nói với Reuters rằng không ai ở Arab Saudi tin rằng tham nhũng là nguyên nhân gốc rễ của vụ thanh trừng.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>