WHO cảnh báo nguy cơ COVID-19 thành đại dịch: Nhiều nước áp dụng giải pháp mạnh để ngăn chặn

11/03/2020 | 07:58 GMT+7

Trước nguy cơ Covid-19 trở thành đại dịch như nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều quốc gia đã có giải pháp mạnh để ngăn chặn.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện vi-rút SARS-CoV-2 (hay còn gọi là dịch Covid-19) đã xuất hiện ở quá nhiều nước và mối đe dọa đại dịch đã trở nên “rất hiển hiện”. Song ông nhấn mạnh rằng “đây sẽ là dịch bệnh đầu tiên trong lịch sử có thể kiểm soát được”. Động thái trên diễn ra sau khi, số cas Covid-19 trên thế giới đã vượt hơn 111.557 người và số cas tử vong đã lên đến con số gần 4.000 người. Trong đó, Trung Quốc đã ghi nhận 80.739 cas nhiễm bệnh, 3.120 trường hợp tử vong.

Trên thế giới, đã có hơn 762 cas tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, đứng đầu là Italia, tiếp đó là Iran, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp và Nhật Bản... Hiện tại, dịch Covid-19 đã lây lan sang trên 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nguy cơ lan rộng khó lường.

Trước những diễn biến trên, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những giải pháp mạnh để ngăn chặn. Theo Hiệp hội Luật sư thành phố Bắc Kinh, hành vi che giấu bệnh trước khi lên máy bay cũng như điền không chính xác vào tờ khai y tế đã đủ cấu thành tội cản trở việc phòng ngừa và điều trị bệnh truyền nhiễm. Hành vi này sẽ bị phạt từ 3 năm đến 7 năm tù. Còn những người đã được chẩn đoán bị bệnh Covid-19 mà từ chối cách ly, lây lan dịch bệnh thì sẽ bị khép tội “gây nguy hiểm cho an toàn công cộng” có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm. Nếu hậu quả nghiêm trọng chết người, tổn thất kinh tế nặng nề, tùy mức độ có thể bị kết án hơn mười năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Còn giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo bất kỳ bệnh nhân nào nhiễm Covid-19 nếu che giấu thông tin lịch sử đi lại, nơi cư trú hay các thông tin quan trọng khác đều sẽ bị phạt mức phạt tối đa lên tới 10 triệu won (tương đương 8.296 USD).

Nga cũng cảnh báo, những người từ các vùng dịch Covid-19 trở về không tự cách ly ở nhà sẽ có thể đối mặt án tù 5 năm.

Còn tại Italia, Thủ tướng nước này Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước. Ông Conte cho biết, biện pháp này được áp dụng nhằm mục đích bảo vệ người dân, đặc biệt là các cá nhân có rủi ro cao về sức khỏe. Theo lệnh hạn chế di chuyển này, tất cả người dân Italia sẽ cần phải chứng minh nhu cầu làm việc thiết yếu, tình trạng sức khỏe hay một số lý do giới hạn khác để có thể đi ra ngoài khu vực sinh sống.

Mới đây, nhà chức trách y tế Thái Lan đã yêu cầu một nhóm khoảng 80 lao động vừa trở về từ Hàn Quốc nhưng trốn quy trình sàng lọc tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi phải ra trình diện trong vòng 3 ngày, nếu không sẽ bị truy tố theo Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm sẽ phải đối mặt án tù 1 năm và mức phạt lên tới 200.000 baht (6.330 USD). Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cũng đã thông qua lệnh ấn định giá bán khẩu trang trong nước là 2,5 baht/chiếc. Lệnh này có hiệu lực từ 9-3 và sau đó nếu ai bán khẩu trang với giá cao hơn giá ấn định sẽ phải đối mặt với án 5 năm tù giam hoặc bị phạt 100.000 baht.

Ngoài ra còn nhiều quốc gia khác cũng có những động thái mạnh để cách ly, ngăn ngừa dịch Covid-19 bùng phát.

Hiện tại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, cùng với các giải pháp mạnh bằng pháp luật, giải pháp cách ly được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện có hiệu quả. Theo đó, đối với những trường hợp đã nhiễm bệnh sẽ cách ly tập trung để điều trị tại các bệnh viện. Những trường hợp có tiếp xúc với người bệnh và đi về từ các vùng có dịch cũng bị cách ly tập trung ở những nơi riêng biệt để theo dõi sức khỏe. Còn lại những người bị nghi ngờ khác sẽ được cách ly tại nhà để theo dõi. Những giải pháp này sẽ góp phần tích cực giảm tối đa sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. 

Tuy nhiên, thực tế cũng có không ít trường hợp người bị nhiễm bệnh, người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh lại giấu giếm, thiếu trung thực trong khai báo sức khỏe với ngành chức năng để đi lại tự do. Đây là tác nhân chính dẫn đến hệ lụy lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Giới phân tích cho rằng, những giải pháp mạnh của các quốc gia đã và đang áp dụng sẽ góp phần tích cực ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng cần được nhân rộng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>