Bung hàng tết sớm

07/12/2017 | 07:40 GMT+7

Còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Dương lịch và hơn 2 tháng mới đến Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng nhiều mặt hàng đã bung ra sớm do lo ngại áp tết giá sẽ còn đội thêm nữa.

Chợ Vị Thanh hơn 10 ngày nay khá tấp nập với lượng khách mua sỉ từ các huyện đổ về.

Chủ động bung hàng

Chợ Vị Thanh hơn 10 ngày nay khá tấp nập với lượng khách mua sỉ từ các huyện đổ về, đồng thời khách mua lẻ cũng tăng lên. Tất cả các khoảng trống trong sạp, lối đi chất thêm hàng hóa. Nhiều tiểu thương dự báo sức mua sẽ dồn vào cùng thời điểm Tết Dương lịch nên bung hàng sớm hơn nhằm kéo dài cơ hội bán hàng. 

Trên đoạn đường Nguyễn Văn Trỗi đoạn gần chợ Vị Thanh, buổi sáng nhộn nhịp hơn với những quầy hàng mới mở. Tất cả đều đã được tung ra đón nhu cầu mua sắm tết sớm. Chén dĩa, mùng mền, quần áo may sẵn cho đến hoa giả chưng tết là mặt hàng được bán khá nhiều. “Mấy ngày nay, đi chợ thấy người ta bày bán chén dĩa, mùng mền rất nhiều. Giờ này chuẩn bị sắm đồ lặt vặt trong nhà là vừa, giá còn rẻ nên tôi tranh thủ”, chị Mỹ Anh, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, chia sẻ.

Các loại hoa giả để trang trí cũng được nhiều người dân quan tâm. Nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho biết hoa giả, hoa handmade ngày càng thu hút một lượng lớn người tiêu dùng. Màu sắc đẹp, rực rỡ, tự nhiên mà lại để được lâu là những tiện ích trông thấy của sản phẩm này. Giá cả cũng có nhiều loại từ rẻ đến đắt tùy thuộc vào chất liệu hoa và thông thường một chậu hoa có giá từ vài trăm ngàn cho đến một triệu đồng. Các cửa hàng nhỏ lẻ đang tranh thủ thời gian này chọn những loại hàng mẫu mới nhất, đẹp nhất. Tuy nhiên, lượng khách mua lẻ năm nay cũng khá đông.

Thời điểm này, nhiều tiểu thương tại các chợ đã chuẩn bị gom các mặt hàng khô chuẩn bị Tết Nguyên đán. Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương ở chợ Vị Thanh, cho biết: “Hiện tại, tôi cũng đã đặt mua một số mặt hàng như măng khô, miến, nấm mèo, nấm hương, tôm khô, mực khô… để chuẩn bị bán vào dịp tết. Càng lấy hàng sớm thì giá thành càng rẻ. Đối với khách cũng vậy, ai có kinh nghiệm thì nên mua từ bây giờ, để cận tết thì giá nhích lên cao và do số lượng nhiều sẽ khó tránh mặt hàng bị lỗi. Ở các vùng quê, người dân vẫn thường có thói quen sắm tết sớm hơn ở thành phố, nhất là các mặt hàng thực phẩm khô. Do đó, thời điểm này, chúng tôi cũng thu mua sớm để bỏ sỉ lại cho tiểu thương các chợ lẻ. Nhiều mối đã đặt hàng từ hơn tuần trước rồi”.

Tuy vậy, theo anh Nguyễn Văn Quang, tiểu thương ở chợ Phường VII, hiện nhiều người có xu hướng đi chơi trong thời gian nghỉ Tết Dương lịch nên cũng không có nhu cầu mua thực phẩm để dự trữ. Hơn nữa, nhu cầu mua sắm của người dân cũng đã chững lại nên tôi cũng không dám ôm nhiều hàng vì sợ bán không hết thì hàng đã quá hạn.

Dè dặt mặt hàng bánh kẹo

Thông thường, vào thời điểm này mọi năm, các tiểu thương bán bánh kẹo đã có kế hoạch chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường lễ Noel, Tết Dương lịch. Tuy nhiên, ghi nhận thị trường tại các chợ không tất bật như mọi năm vì các tiểu thương sợ phải ôm hàng.

Cửa hàng của anh Bùi Tuấn Thanh, tại khu vực chợ Vị Thanh, từ tháng 11 được rất nhiều công ty đến chào hàng các loại mứt, bánh kẹo, trà, rượu tết nhưng anh vẫn chưa đặt hàng. Năm nay, sức mua giảm mạnh nên không dám trữ hàng để bán tết như các năm trước. Theo dự tính của anh Thanh thì đến tháng 12 âm lịch, anh mới bắt đầu lấy hàng về bán. “Lúc đó, mình cũng đã tính toán được phần nào sức mua, vả lại các công ty sẽ có nhiều khuyến mãi hơn. Mọi năm, có thể trữ hàng tết đến cả trăm triệu nhưng năm nay đồng vốn eo hẹp hơn nhiều mà người tiêu dùng lại thích mua quà bánh gói sẵn ở siêu thị hơn nên mình phải dè dặt lại”, anh Tuấn Thanh cho biết.

Có nhiều nguyên nhân khiến tiểu thương không dám trữ hàng. Nhất là, nguyên liệu đầu vào để sản xuất mứt, bánh kẹo tăng mạnh từ đầu tháng 10 đến nay, trong khi sức tiêu thụ lại giảm hơn 50% so với thời điểm cùng kỳ mọi năm. Ngoài ra, một loạt sự cố xảy ra trên thị trường hàng năm như hạt dưa có chất gây ung thư, nhiều cơ sở sản xuất mứt không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện ảnh hưởng đến việc buôn bán khiến lượng hàng dự trữ bị ứ đọng, có năm lên đến hơn 30% cũng là nguyên nhân khiến tiểu thương lo ngại, không dám dự trữ số lượng hàng lớn.

Theo ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sức tiêu thụ các mặt hàng như lương thực, thực phẩm… tăng cao so với ngày thường. Đây cũng là thời điểm thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng xả hàng kèm theo hàng đã quá hạn sử dụng. Mặt khác, nếu không điều phối tốt cung - cầu, thị trường sẽ có nguy cơ khan hàng, sốt giá. Sở đã và đang phối hợp với các ngành chức năng tăng cường rà soát, đánh giá cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá kiếm lời cũng như kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa và vệ sinh thực phẩm.

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>