Bước tiến hạ tầng thương mại

31/12/2018 | 12:17 GMT+7

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển “nhảy vọt” nhờ được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trong tỉnh và khu vực lân cận.

Khi hạ tầng chợ đảm bảo sẽ cung cấp đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện đại hóa hệ thống thương mại

Để tạo động lực phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị nhằm mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ nông sản thực phẩm và hàng hóa của doanh nghiệp ở địa phương. Có thể thấy, hiện nay hệ thống chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư cả số lượng và quy mô, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ không ngừng tăng cao.

Điểm nhấn trong phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng gia tăng theo hướng hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 4 siêu thị đang hoạt động và 11 khu kinh doanh thương mại trong giai đoạn triển khai, trong đó có sự góp mặt của các tập đoàn lớn như Vincom, Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn... Sự ra đời của các siêu thị không chỉ thay đổi thói quen mua bán truyền thống của người dân mà còn góp phần xây dựng hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp hơn.

Đi vào hoạt động từ năm 2007, sản phẩm chủ lực mà siêu thị Co.opMart hướng tới là các nhóm hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng, tập trung 5 nhóm hàng chính: thực phẩm công nghệ - đông lạnh, thực phẩm tươi sống chế biến - nấu chín, may mặc, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm. Ông Nguyễn Nghĩa Trọng, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Vị Thanh, cho biết: “Nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, hệ thống Co.opMart cập nhật liên tục các xu hướng bán lẻ quốc tế, hiện đại hóa không gian mua sắm và chuyên nghiệp hóa dịch vụ khách hàng, cũng như tích cực tham gia công tác xã hội, kết nối tiêu thụ hàng Việt. Bên cạnh đó, Co.op còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng”.

Không chỉ có siêu thị Co.opMart, Trung tâm thương mại Vincom Plaza đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 đã đánh dấu bước phát triển mới về hạ tầng thương mại của tỉnh. Ở Vincom có hệ thống siêu thị tiêu dùng, siêu thị điện máy hiện đại, thế giới ẩm thực và các khu vui chơi giải trí dành cho mọi lứa tuổi. Khách hàng có cơ hội mua sắm đầy đủ các mặt hàng thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước, đồ trang sức và phụ kiện, mỹ phẩm, đồ dùng thể thao, du lịch cũng như các mặt hàng nội ngoại thất, dụng cụ gia đình. Ngoài ra, tại đây còn có khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

Xã hội hóa chợ nông thôn

Từ nguồn vốn ngân sách, trong năm 2018, chợ Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cũng đã được xây dựng mới với tổng vốn hơn 1 tỉ đồng. Là tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng giày dép tại chợ Long Thạnh, anh Nguyễn Văn Khởi chia sẻ: “Lúc trước chợ nhỏ, nền chợ thấp nên hễ mưa là phải che đậy rất cực. Đó là chưa kể nước ngập, hàng hóa không có chỗ chứa cũng không dám nhập nhiều vì sợ mất mát, hư hỏng. Thêm vào đó việc kinh doanh cũng rất khó khăn. Từ khi chợ được xây dựng mới nên tôi đã nhập hàng hóa nhiều hơn để đa dạng sản phẩm. Như vậy, tết này người mua, người bán không còn lo lắng gì nữa”.

Theo UBND xã Long Thạnh, trước đây chợ cũ có diện tích nhỏ với hơn 80 hộ kinh doanh. Không gian chật hẹp, nhất là khu vực chuyên bày bán các sản phẩm tươi sống được xây dựng trên nền chợ cũ vốn dĩ đã thấp dẫn đến tình trạng lầy lội, ngập nước khi mưa và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Phan Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: Do chợ xây dựng nhiều năm nên đã bị xuống cấp, do đó từ nguồn vốn ngân sách, địa phương đã tiến hành xây dựng lại nhà lồng. Chợ mới bao gồm 2 nhà lồng được chia gồm: khu vực kinh doanh hàng thời trang, may mặc; giày dép; hàng gia dụng và thực phẩm; khu bán hàng tươi sống. Địa phương đang tiến hành sắp xếp lại khu vực mua bán cho thật hợp lý để các tiểu thương có thể buôn bán ổn định.

Là tỉnh thuần nông nên nhu cầu khá lớn về giao thương, trao đổi, kinh doanh mua bán hàng hóa tại các chợ nông thôn, trong khi chợ hạng III và chợ tạm còn chiếm tỷ trọng lớn. Hơn nữa, do các chợ được xây dựng đã lâu nên dần bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông, vì vậy việc hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Chính vì thế, từ năm 2012, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ khuyến khích xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là “vốn mồi” để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư chợ nông thôn. 

Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp sửa chữa và xây dựng mới hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh, đến nay UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng 40 chợ trên địa bàn, với tổng số tiền hơn 28 tỉ đồng. Song song đó, địa phương còn khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp và hộ tiểu thương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và khai thác, quản lý 33 chợ với tổng số tiền 35,297,5 tỉ đồng (trong đó đầu tư xây dựng mới 4 chợ, với tổng số tiền 17,019 tỉ đồng; nâng cấp, cải tạo 20 chợ, với tổng số tiền 18.278,5 tỉ đồng).

Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, khẳng định: Để có được diện mạo thương mại như ngày hôm nay là cả một câu chuyện dài. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế nên việc bố trí vốn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hạ tầng các chợ trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, do đó chưa đạt được mục tiêu đề ra và nhu cầu thực tế của địa phương. Trong khi hiện nay đối tượng được hỗ trợ, cơ chế chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND đã không còn phù hợp. Do đó, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị HĐND tỉnh thống nhất sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND (trường hợp cần thiết thì ban hành Nghị quyết mới để thay thế) nhằm đảm bảo thực hiện phù hợp theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tiếp tục xã hội hóa xây dựng chợ để phát triển hạ tầng thương mại khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua sắm của người dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 87 chợ đang hoạt động, trong đó có 76 chợ, siêu thị (gồm 4 siêu thị và 72 chợ, có 36/72 chợ đạt tiêu chí chợ nông thôn mới) và 11 dự án chợ (khu thương mại kinh doanh) đang trong giai đoạn triển khai. Trong tổng số 72 chợ, có 25 chợ do 17 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã đầu tư và quản lý, chiếm 34,72%; 47 chợ do Nhà nước đầu tư nâng cấp, cải tạo và quản lý, chiếm tỷ lệ 65,28%.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>