Chao đảo chuỗi ngành điều

12/07/2018 | 15:24 GMT+7

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), 6 tháng đầu năm 2018, ngành điều xuất khẩu được 192.000 tấn điều nhân với giá trị 1,8 tỷ USD, tăng trên 25% về lượng và kim ngạch; trong đó, riêng tháng 6-2018 xuất hơn 39.500 tấn với giá trị 369,2 triệu USD. Nhưng ngành điều đang trải qua giai đoạn khó khăn vì tăng trưởng quá nóng…

Chế biến điều nhân tại Công ty TNHH SX-TM Phúc An (Phước Long, tỉnh Bình Phước). Ảnh: PHIÊU NHIÊN

Hậu quả

Diễn biến thị trường chế biến điều vài tháng qua làm những người trong ngành điều khá bất ngờ. Tháng 5-2018, điều nhân giao dịch ở mức giá 4,3 - 4,5 USD/pound (0,45kg, loại WW320), chỉ sau thời gian ngắn còn 4USD/pound và lại giảm tiếp xuống 3,7 - 3,9USD/pound, trong khi cơ sở nhỏ bán giá 3,65USD/pound. Diễn biến này có thể nói làm chao đảo cả chuỗi ngành điều không chỉ Việt Nam, đất nước xuất khẩu nhân điều đứng đầu thế giới, chiếm khoảng 60% sản lượng điều nhân giao dịch trên thế giới, mà cả với Ấn Độ, từng là thủ phủ chế biến điều thế giới và cả nhà xuất khẩu điều thô. Ngay cả nhà nhập khẩu điều nhân cũng bất ngờ vì diễn biến này, khi trước đó nhận định, giá nếu giảm cũng phải ở ngưỡng trên 4USD/pound, thay vì dưới mức này. Nhiều nhà nhập khẩu trong 1 tháng bị lỗ 20 - 30cent/pound vì giá giảm nhanh, tạm ngưng mua để tìm mức chạm đáy.

Có thể nói đây là hậu quả của sự tăng trưởng quá nóng. Ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Vinacas, cho rằng nhu cầu thị trường tăng khoảng 4%/năm nhưng công suất chế biến trong 6 tháng tăng đến 25% so cùng kỳ 2017. Khi cùng lúc xuất hiện nhiều nhà cung cấp, nhà nhập khẩu nên điều nhân được dịp làm giá. Nhưng khi giá giảm lại dẫn đến tâm lý lo ngại giá sẽ còn giảm thêm nên các doanh nghiệp lại tranh nhau bán, hậu quả là điều xuất khẩu càng bị ép giá và liên tục… rớt giá! Hơn nữa, điều nhân trong nhóm rổ hàng hóa nhiều hạt ăn được (hạnh nhân, óc chó, điều nhân, macca...), nếu giá loại hạt nào đó tăng cao hơn, người tiêu dùng sẽ chuyển qua mua loại hạt khác thay thế.

Khi giá giảm mạnh, thấp hơn giá thành nên doanh nghiệp không thể tiếp tục nhập khẩu điều thô (giá cao) về chế biến hoặc hàng về cảng Việt Nam cũng không nhận vì cầm chắc lỗ nên “bỏ cọc”. 6 tháng đầu năm 2018 các doanh nghiệp chỉ nhập về hơn 362.900 tấn, giảm đến 45,9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, tháng 5, giảm mạnh nhất với 83,9%. Hết nguyên liệu chế biến nên khoảng 80% cơ sở và nhà máy (chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ) ở tỉnh Bình Phước, thủ phủ hạt điều cả nước và 12/33 nhà máy ở tỉnh Long An (chỉ sau Bình Phước về năng lực chế biến) lần lượt phải tạm thời đóng cửa. Vinacas nhấn mạnh, đóng cửa chứ không phải phá sản. Khi có nguyên liệu và giá xuất khẩu tăng trở lại, những cơ sở và nhà máy nhỏ này sẽ tái hoạt động. Nhưng diễn biến giá bất lợi và sự đóng cửa của nhiều nhà máy nhỏ khiến các ngân hàng e ngại. Không ít ngân hàng khi đến thời kỳ đáo hạn sẽ siết chặt việc cho vay hoặc không cho vay tiếp khiến doanh nghiệp cần vốn tìm cách bán tháo điều nhân để có nguồn tiền khi đến kỳ đáo hạn, càng khiến tình hình thêm khó khăn.

Thị trường tiêu dùng thế giới vẫn ổn định

Những năm qua có thể nói ngành điều “ăn nên làm ra”, nhất là năm 2017 khi thị trường điều nhân càng về cuối năm giá càng tăng, nhiều doanh nghiệp chế biến điều thắng lớn khi trước đó đã nhập khẩu một lượng lớn điều thô nguyên liệu từ các nước, nhất là khu vực châu Phi, để dự trữ chế biến. Trong số hơn 1,6 triệu tấn điều thô nhập khẩu năm 2017, một lượng lớn đã mua từ những tháng đầu năm 2017. Vì vậy, năm nay doanh nghiệp nào vẫn theo cách làm cũ, nhập nguyên liệu dự trữ sẽ bị thiệt hại lớn. Hiện còn một lượng hàng điều thô nguyên liệu đã về cảng Việt Nam hay kho ngoại quan, nhưng do đã lỡ ký giá cao, một số doanh nghiệp “bỏ cọc” 10% để cắt lỗ. Con số này không nhiều, nhưng cách làm này ảnh hưởng đến uy tín cả ngành điều Việt Nam. Vì vậy, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, đề nghị ngân hàng không tư vấn doanh nghiệp bỏ cọc và bản thân doanh nghiệp nên mời nhà xuất khẩu điều thô cùng đàm phán lại. Bờ Biển Ngà, quốc gia xuất bán nhiều nhất cho Việt Nam chấp nhận ngồi lại trong tình hình này. Đã có doanh nghiệp đàm phán thành công và giảm được 150USD - 200USD/tấn.

Thực tế, bị ảnh hưởng nhiều nhất không phải các doanh nghiệp Việt Nam mà là doanh nghiệp Ấn Độ. Tại thành phố Kollam (thuộc bang Kerala) - thủ phủ điều của Ấn Độ, khi thị trường điều nhân thế giới giảm mạnh, 70% doanh nghiệp phải bán tháo, tạm dừng sản xuất và nộp đơn xin nhà nước giải cứu. Chính phủ Ấn Độ đã họp bàn giải pháp, đề nghị ngân hàng trung ương giãn nợ hoặc hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngay từ đầu năm 2018, những doanh nghiệp hàng đầu đã cảm nhận được sự bất ổn này khi năm 2017, xuất khẩu chỉ tăng 2% về sản lượng nhưng lại tăng 24% về giá trị nên Vinacas chủ trương giảm lượng - tăng chất và khuyến cáo cẩn thận nếu nhập khẩu điều thô vượt giá 1.850 USD/tấn. Giá thị trường thời gian qua lên đến 2.050 USD/tấn. Thực tế đã diễn ra là sự sụp đổ giá điều nhân nhanh chóng, tác động đến toàn thể ngành điều khi ngân hàng siết chặt nguồn tín dụng với doanh nghiệp.

Hiện nay các nhà máy cần khoảng 500.000 tấn nguyên liệu để chế biến đến cuối năm, tương đương lượng tín dụng khoảng 800 triệu USD, nhưng các ngân hàng thương mại vẫn e dè cho vay. Dù giá điều nhân (theo nhận định của nhà tư vấn) đã chạm đáy và sẽ tăng mua trở lại khi kỳ nghỉ hè chấm dứt cuối tháng 7, bước vào đợt mua chuẩn bị cho cuối năm. Hơn nữa, các nước bán điều thô châu Phi cũng đã đồng ý giảm giá còn khoảng 1.650 -1.700USD/tấn. Doanh nghiệp chế biến điều nhận ra đây là thời điểm phù hợp mua vào để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến. Vinacas kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ gói tín dụng 800 triệu USD cho các doanh nghiệp để nhập khẩu điều thô khi thị trường tiêu dùng thế giới vẫn ổn định, chuẩn bị cho mùa kinh doanh nhộn nhịp tập trung vào cuối năm.

Theo CÔNG PHIÊN/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>