Chung tay xây dựng chợ văn minh

22/10/2018 | 10:15 GMT+7

Thông qua các hoạt động mua bán, trao đổi, chợ là nơi thể hiện rõ nhất sự phát triển kinh tế - văn hóa của mỗi địa phương. Vì thế, việc xây dựng chợ văn minh được các địa phương nỗ lực thực hiện.

Các tiểu thương luôn quan tâm bố trí, sắp xếp hàng hóa gọn gàng để giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn.

Được xây dựng năm 2014, chợ Mười Bốn Ngàn đã thu hút hàng trăm hộ tiểu thương tham gia kinh doanh. Mặc dù số lượng tiểu thương đông, nhưng khi vào tham quan khu chợ có thể cảm nhận được không gian kinh doanh rộng rãi, sạch sẽ. Đi vào trong chợ, có thể thấy các quầy hàng được phân bố theo từng khu riêng, tạo thuận lợi cho việc mua bán. Chị Phạm Mỹ Phương, tiểu thương kinh doanh ở chợ Mười Bốn Ngàn, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Ban quản lý luôn tạo điều kiện để tiểu thương kinh doanh. Từ khi được vận động xây dựng chợ văn minh, bản thân tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình nên thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá cả hàng hóa. Sản phẩm được tôi trưng bày gọn gàng và cam kết không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đối với khách hàng, chúng tôi luôn đón tiếp niềm nở. Chính vì chất lượng cũng như giá cả mà khách hàng đến với chợ nhiều hơn”. 

Bà Dương Thị Thúy An, Phó Ban quản lý chợ Mười Bốn Ngàn, cho biết: Để chợ ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, Ban quản lý chợ xây dựng kế hoạch và vận động các hộ tiểu thương cùng chung tay xây dựng. Vì thế, các tiểu thương nơi đây đã ý thức trong việc giữ gìn trật tự, an toàn vệ sinh; hàng hóa được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Song song đó, Ban quản lý còn thường xuyên sửa chữa, nâng cấp các hạng mục của chợ. Trong tháng 10 này, sẽ tiến hành xây dựng mới hoàn toàn khu vực căn tin đã bị xuống cấp với kinh phí khoảng 70 triệu đồng.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vị Thủy, năm nay địa phương tiếp tục xây dựng 5 chợ văn minh. Ông Nguyễn Văn Huy, Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vị Thủy, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu mua bán của các tiểu thương và người dân, ngay từ đầu năm, ngành đã yêu cầu các chợ trên địa bàn từng bước nâng chất các tiêu chí chợ văn minh. Theo đó, tùy điều kiện của mỗi nơi mà sẽ có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa thêm một số hạng mục để đáp ứng yêu cầu.

Vốn được hình thành từ rất lâu, chợ Bảy Ngàn, ở huyện Châu Thành A đã đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân trong xã và khu vực lân cận. Tuy nhiên, do xây dựng đã nhiều năm nên một số điểm bị xuống cấp. Hơn nữa, do nhu cầu mua bán ngày càng tăng làm cho tình trạng quá tải ở đây càng thêm trầm trọng. Nhất là mặt bằng kinh doanh chật hẹp, khu chứa hàng hóa không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là mùa khô. Trước tình hình đó, thời gian qua, Ban quản lý chợ đã chú trọng việc bố trí không gian, cải tạo cơ sở vật chất hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán.

Bà Mười Lộc, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bảy Ngàn, chia sẻ: “Từ khi nơi đây được xây dựng cao ráo, chúng tôi buôn bán không còn cảnh ngập nước như hồi ở chợ cũ. Quan niệm của tôi buôn bán là phải hòa nhã với khách hàng, bán phải đúng giá, chất lượng. Khi khách hàng thắc mắc điều gì, tôi sẵn sàng tư vấn nhiệt tình”.

Theo Ban quản lý chợ Bảy Ngàn, để đáp ứng tiêu chí chợ văn minh, đơn vị đã chủ động sắp xếp nơi buôn bán đúng chỗ, không lấn chiếm, giữ gìn lối đi thông thoáng. Đồng thời, vận động các hộ kinh doanh tự giác thu gom rác thải và cho ký cam kết bán hàng đúng giá, bảo đảm chất lượng. Tiểu thương luôn có thái độ kinh doanh, giao tiếp văn minh, bán theo giá niêm yết, không chèo kéo khách hàng. Ông Bùi Công Mến, Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành A, cho biết: Qua đánh giá bước đầu, 5 chợ ở huyện Châu Thành A đáp ứng tương đối các tiêu chuẩn đề ra. Tuy vậy, ở một số chợ, qua khảo sát vẫn còn nhiều điểm cần phải khắc phục trong thời gian tới. Do đó, địa phương sẽ tiếp tục vận động các hộ tiểu thương quan tâm không gian bày trí hàng hóa, tránh tình trạng tự ý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, bày bán đủ các loại mặt hàng gây tắc nghẽn giao thông và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Theo Sở Công thương Hậu Giang, chủ trương của tỉnh là từng bước xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại trên toàn địa bàn; tiếp tục nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp; tăng cường công tác quản lý thị trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, chống buôn lậu và gian lận thương mại kết hợp với các quy tắc ứng xử văn hóa văn minh thương mại. Do đó, trên cơ sở kế hoạch của từng địa phương, Sở Công thương lên kế hoạch kiểm tra các chợ như đã đăng ký trong tháng 11 tới.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích