“Đả thông” vướng mắc

15/08/2017 | 07:40 GMT+7

Với mục tiêu tạo môi trường tốt nhất để doanh nghiệp an tâm đầu tư và phát triển cả về chất và lượng, lãnh đạo tỉnh tiếp tục đặt trọng tâm tháo gỡ khó khăn và dốc sức vì doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phản ánh vướng mắc tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang.

Tín hiệu đáng mừng là sau một đợt tiếp xúc doanh nghiệp, số doanh nghiệp phản ánh vướng mắc giảm dần. Tuy vậy vẫn còn khó khăn tồn đọng từ nhiều năm. Nổi cộm là vấn đề cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp xuống cấp, chậm giao đất gây ảnh hưởng lớn đến đầu tư sản xuất.

Mỏi mòn chờ giao đất

Qua các cuộc tiếp xúc từ đầu năm đến nay, sau khi nêu ý kiến về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Hậu Giang đã tích cực vào cuộc giải quyết rất nhanh. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã được cấp “sổ đỏ”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn đọng kéo dài chưa thể giải quyết một sớm một chiều khiến cho doanh nghiệp băn khoăn.

Gần 10 doanh nghiệp nêu ý kiến tại cuộc họp hồi cuối tuần qua có quá nửa ý kiến than phiền chuyện chậm trễ giao mặt bằng. Đại diện trong số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, ông Trần Công Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ II, phản ánh: “Khu đất 14ha của dự án mở rộng công ty theo lý thuyết đã bàn giao xong, nhưng thực tế vẫn còn 11 hộ chưa chịu nhường mặt bằng. Những hộ này có đất xen kẽ trong dự án chứ không nằm tập trung thành khu vực nên gây cản trở cho đơn vị thi công”.

Không chỉ tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tiếp cận và sử dụng đất đai cũng đang là khó khăn chung đối với cộng đồng doanh nghiệp tại huyện Châu Thành. Phản ánh của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Sông Hậu cho thấy, để xin cấp đất xây nhà máy, doanh nghiệp phải mất thời gian nhiều tháng với hàng loạt thủ tục, cộng thêm vô vàn chi phí phát sinh. Việc này đã góp phần làm tăng chi phí ngay từ ban đầu và làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi vào hoạt động.

Theo ông Phạm Minh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Minh Phú Hậu Giang, quan sát theo chuỗi thời gian cũng cho thấy các nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về đất đai cho doanh nghiệp ở tỉnh đang có xu hướng chững lại. Cụ thể là một phần dự án thuộc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Minh Phú - Hậu Giang chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn dự án Cảng tổng hợp của công ty đã hơn 10 năm vẫn chưa có động tĩnh về giá đất hay giải phóng mặt bằng. Điều này cũng có nguyên nhân từ phía công ty nhưng cũng có phần của cơ chế. Đây là dự án chuyển tiếp khi Luật Đất đai năm 2013 ra đời nên việc tính toán giá đất có sự nhập nhằng chưa rõ. Vì vậy, công ty rất mong tỉnh có những kiến nghị đến cơ quan cấp cao hơn để có hướng xử lý cho trường hợp này.

Làm chậm - nhận khuyết điểm

Cũng theo các doanh nghiệp, cơ hội thị trường đến cũng nhanh và đi cũng rất nhanh. Làm xong các thủ tục thuê đất, thỏa thuận với từng hộ dân về đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng có khi phải mất đến hàng năm, khi đó cơ hội thị trường đã hoàn toàn qua mất. Để một doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, không thể một mình doanh nghiệp có thể kham nổi. Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh khẳng định: “Trước sau như một, Hậu Giang luôn tỏ rõ quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp từ lời nói đến hành động phải cụ thể, thiết thực nhất, coi sự lớn mạnh và phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả của doanh nghiệp là mục tiêu phát triển của tỉnh”.

Chính vì vậy, những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tỉnh luôn quan tâm nắm bắt. Đặc biệt, nhiều khó khăn tồn đọng trong các năm qua lãnh đạo đầu ngành “xắn tay” vào gỡ khó bằng việc chỉ đạo các sở, ngành giải quyết tại chỗ những cái khó chỉ liên quan đến một ngành, một sở. Còn đối với những vướng mắc kéo dài, dính đến nhiều khâu, nhiều đơn vị thì thông qua đối thoại sẽ cho từng sở, ngành trực tiếp giải đáp và đưa ra thời hạn giải quyết. Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh đã yêu cầu sở, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp đến sự chậm trễ phải nhận khuyết điểm, đồng thời giải đáp thỏa đáng, đưa ra thời hạn hoàn thành cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, thời gian giải phóng mặt bằng không thể cao hơn vì bị chi phối bởi điều kiện thực hiện cưỡng chế. Cụ thể là chậm nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 120 ngày đối với đất phi nông nghiệp người dân không chịu giao đất dù đã thực hiện đầy đủ các chính sách mới tiến hành cưỡng chế. Về việc cấp giấy chứng nhận trễ cho Công ty Minh Phú, Sở đã gửi những thông tin cần thiết đến Ban quản lý, đại diện công ty có thể liên hệ để biết cụ thể hơn. Còn UBND huyện Châu Thành A cho biết, địa phương sẽ cố gắng giải quyết xong các khiếu nại của 11 hộ dân còn lại tại khu đất 14ha để giao mặt bằng cho Công ty TNHH Lạc Tỷ II đúng hẹn.

Ngoài vướng mắc về giá đất, các doanh nghiệp còn phản ánh những tuyến đường tại KCN Tân Phú Thạnh xuống cấp trầm trọng, khu đất dự án nhà ở công nhân của Nhà máy Giấy Lee&Man bị người dân tái lấn chiếm, thiếu các đơn vị đủ chức năng cấp phép tàu quốc tế cập cảng Vinalines, chợ tự phát tái lấn chiếm KCN Sông Hậu hay đường dây điện trung thế “án ngữ” ngay dự án Minh Phú từ lâu chưa dẹp…

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>