Điểm sáng kinh tế đầu năm

13/03/2018 | 08:19 GMT+7

2 tháng đầu năm, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh đã có nhiều khởi sắc trên cả 3 khu vực. Đây là bước đệm để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu mà tỉnh đã đề ra.

Nhiều tín hiệu vui

Phân tích từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, ở khu vực I, diện tích xuống giống vụ lúa Đông xuân 2018 khoảng 77.900ha, đạt 100,28% kế hoạch và tăng 0,07% so cùng kỳ. Dù chưa có đánh giá năng suất ngay thời điểm này, nhưng qua dư luận và quan sát thực tế thì năng suất sẽ tăng, đồng thời tăng về sản lượng. Ngoài ra, dựa trên 3 yếu tố lớn của ngành nông nghiệp là lúa, heo, gia cầm, có thể đánh giá 2 tháng qua khu vực I có xu hướng phát triển tốt.

Trong 2 tháng đầu năm, khu vực II có mức tăng trưởng nhanh và đột biến.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, thông báo tin vui: Ngành nông nghiệp phát triển khá tốt trong 2 tháng đầu năm. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nông dân Hậu Giang cung ứng sản phẩm ra thị trường tương đương 47 tỉ đồng, góp phần tăng 2% GDP toàn ngành. Vui nhất đó là vụ lúa Đông xuân này được đánh giá rất khả quan từ giá cả cho đến năng suất. Đây là năm được xem là trúng mùa, được giá. Qua nắm các thông tin sơ bộ, các giống lúa chất lượng thấp hiện có giá 4.800 đồng/kg, giống chất lượng cao 6.000 đồng/kg. Như vậy, nông dân có khả năng thu nhập từ 20-25 triệu đồng/ha.

Tuy vậy, theo nhận định của ngành chuyên môn thì khâu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự bền vững. Trong ký kết hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp cũng còn nhiều vướng mắc, sản xuất riêng lẻ vẫn còn, nhất là ý thức cộng đồng chưa cao. Hiện doanh nghiệp đã bao tiêu cho hơn 10.000ha, tuy vậy cần phải rà soát tình trạng bẻ kèo, tranh chấp hợp đồng mua bán lúa trong vụ này.

Ở khu vực II, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 20%, tính theo giá thực tế ước đạt hơn 4.868 tỉ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 148,112 triệu USD, tăng 46,6%. Sự bứt phá từ kim ngạch xuất, nhập khẩu chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI, đơn cử như Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam.

Ở khu vực III, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thực hiện đạt 3.185,7 tỉ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước, tổng giá trị tính chung 2 tháng thực hiện được 6.206,7 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Mặc dù bị tác động về giá, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu đầu vào và một số yếu tố khác, nhưng nhìn chung đa số các doanh nghiệp phát triển tương đối đều, ổn định. Các thành phần kinh tế tiếp tục tăng trưởng về quy mô, mạnh nhất là kinh tế tư nhân. Đó là nhờ những hoạch định cho kế hoạch tăng trưởng khu vực II mang tính chiến lược, trên cơ sở hướng đến khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, tạo bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh nhà. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động được vùng nguyên liệu nên hoạt động sản xuất diễn ra liên tục, không bị gián đoạn. Như kho lạnh của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang đưa vào khai thác, lượng tôm nguyên liệu cho nhà máy được đảm bảo và hoạt động ổn định ngay từ sau tết.

“Có thể khẳng định khu vực II có mức tăng trưởng nhanh và đột biến, còn các giá trị ở khu vực III đạt mức tăng trưởng tốt. Nếu xu hướng phát triển ở những tháng tiếp theo như 2 tháng đầu năm thì 6 tháng đầu năm mức tăng trưởng kinh tế sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu của năm 2017 và thấp nhất sẽ đạt 5,5%”, ông Nguyễn Văn Thân, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, phân tích. 

Thêm một điểm nổi bật là từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Hải quan Hậu Giang thu hơn 33 tỉ đồng, đạt đúng tiến độ Cục Hải quan thành phố Cần Thơ giao (200 tỉ đồng). Nguyên nhân là ngay đầu năm Chi cục Hải quan Hậu Giang đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hải quan, đồng thời Cục Hải quan thành phố Cần Thơ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hậu Giang đang làm thủ tục ở nơi khác chuyển hết về Chi cục Hải quan Hậu Giang. Nhờ đó, doanh nghiệp thuận lợi trong thực hiện khai báo các thủ tục xuất, nhập khẩu.

Bắt tay vào nhiệm vụ trọng tâm

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng cho rằng, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của Nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thu hoạch vụ lúa Đông xuân, chăm sóc vụ lúa Hè thu, tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên động, thực vật, theo dõi tình hình bao tiêu lúa năm 2018 giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, diễn biến hạn, mặn, tập trung công tác phòng cháy chữa cháy. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2018 của tỉnh. Sớm hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những ngày gần đây, dự báo về tình hình xâm nhập mặn rất sáng sủa, tuy nhiên vẫn hết sức cảnh giác vì mặn đã xâm nhập vào Kiên Giang. Còn ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ trong lần đo gần nhất cho thấy độ mặn ở mức 2,7‰. Dự báo từ giữa cuối tháng 3 đến tháng 4 sẽ vào cao điểm xâm nhập mặn. Do vậy, các địa phương hết sức lưu ý rà soát cống đập để chủ động ngăn mặn, không được chủ quan.

Trong khi đó, hiện tại các địa phương cũng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn, mặn. Thành phố Vị Thanh đang tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn theo dõi độ mặn để có ứng phó kịp thời. Qua đó, địa phương đã chủ động đắp các đập thời vụ, sẵn sàng đóng các cống, đập khi nước mặn tràn về. “Địa phương thực hiện quan trắc độ mặn hàng ngày. Địa bàn huyện Vị Thủy không loại trừ khả năng bị ảnh hưởng cho nên chúng tôi đã có sự chuẩn bị, nhất là đóng các cống và đắp đập thời vụ”, ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết.

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>