Điểm sáng trong thu hút đầu tư

06/09/2017 | 08:06 GMT+7

Những con số và các chỉ số về thu hút đầu tư qua các năm cho thấy Hậu Giang vẫn tiếp tục là điểm đến thân thiện và điều đó mở ra nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư tiềm năng.

Kêu gọi được những dự án lớn mang tính chiến lược là điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Nếu điểm lại các khu, cụm công nghiệp tập trung cách nay chừng 5 năm, dễ nhận ra thời điểm đó nơi đây chỉ là những vùng đất rộng lớn. Vậy mà giờ đây những khu, cụm công nghiệp này đã mau chóng thu hút các dự án lớn cùng nhiều nhà máy, nhà xưởng sản xuất quy mô. Có được điều này, ngoài nỗ lực lớn của tỉnh, còn là sự đầu tư hiệu quả của các dự án tiềm năng. Chính vì thế, các khu, cụm công nghiệp sau khi ra đời đều đã chứng tỏ được năng lực, vai trò của mình dưới con mắt của nhà đầu tư đến Hậu Giang làm ăn.

Ở những năm 2007-2008, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết cho từng khu, cụm công nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cấp điện, nước, hệ thống xử lý nước thải… Qua quá trình thu hút, toàn tỉnh đã kêu gọi được 488 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 123.300 tỉ đồng. Trong đó có 5 dự án xác nhận ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn 1.000 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 0,92 triệu USD, nâng tổng số cả tỉnh có 29 dự án nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 808 triệu USD. Quá trình thu hút đầu tư, tỉnh luôn có sự lựa chọn kỹ lưỡng các dự án đầu tư và xử lý kiên quyết với những dự án kéo dài, dự án “treo”.

Điểm nhấn nổi bật là tỉnh đã thu hút được nhiều dự án quy mô vốn đầu tư lớn như Trung tâm Điện lực Sông Hậu, hệ thống các nhà máy chế biến thủy, hải sản cùng các dự án hướng đến môi trường sống của con người như hệ thống thu gom rác thải, dự án cấp nước sạch trên quy mô công nghiệp, dự án năng lượng mặt trời, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư phục vụ các khu, cụm công nghiệp… Trong số các dự án đăng ký đầu tư, hiện có gần 50 doanh nghiệp đang hoạt động đã phát huy hiệu quả đồng vốn, góp phần tích cực vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu của Hậu Giang. Các dự án này khi đi vào hoạt động đóng góp thêm vào ngân sách địa phương khoảng 80%. Điển hình là Công ty TNHH Lạc Tỷ II, sau hơn 10 năm đầu tư đã mở rộng lên 16 nhà xưởng, từ 3 xưởng sản xuất với quy mô khoảng 4ha ban đầu, giờ đã có tổng diện tích đất gần 25ha.

Nhờ có những chính sách ưu ái nhất, liên tiếp trong 2 năm 2015-2016 tỉnh lọt tốp 10 địa phương có chỉ số tiếp cận đất đai tốt nhất. Đây là 1 trong 10 yếu tố cấu thành PCI của mỗi địa phương. Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về tạo lập môi trường đầu tư cho doanh nghiệp, tỉnh Hậu Giang đi đầu cả nước trong cắt giảm thủ tục hành chính. Cụ thể là giảm 50% thủ tục hành chính so với quy định, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn 1,5 ngày làm việc, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 2 ngày làm việc kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư trong thời hạn 3 ngày làm việc…

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, ngoài việc tìm kiếm các nhà đầu tư lớn, Hậu Giang rất có duyên với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nhà đầu tư đến từ châu Âu. Đánh giá cao môi trường đầu tư tại tỉnh, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lần lượt đến tìm hiểu cơ hội làm ăn. Sau khi tham quan hạ tầng các khu công nghiệp của tỉnh, đại diện đoàn Tập đoàn EuroEco Food (Ba Lan), ông Phạm Đức Sỹ, Phó Tổng Giám đốc, cho rằng: “Lần đầu về Hậu Giang nhưng tôi cảm nhận đây là nơi chúng tôi có thể lựa chọn đầu tư những dự án liên quan đến nông nghiệp. Tham khảo sơ bộ thì tôi thấy tỉnh gần như hội tụ đủ các yếu tố của “nơi đất lành”. Ngoài giá nhân công rẻ, nguồn nông sản ở đây rất dồi dào, đất đai rộng rãi, con người thân thiện, các khu công nghiệp rất tốt, cơ sở hạ tầng thuận lợi và bảo đảm. Sau chuyến đi này, nếu tỉnh có chính sách tốt thì doanh nghiệp sẽ có chiến lược đầu tư bằng nhiều dự án cụ thể, nhất là các dự án liên quan đến sử dụng lao động và nông sản của địa phương”.

Đến cuối năm nay, tỉnh sẽ có thêm 900 doanh nghiệp mới thành lập. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ các yêu cầu và điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến tỉnh đầu tư các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, y tế, giáo dục, phát triển hạ tầng đô thị, logictis… Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng đồng nghĩa với việc tỉnh xác định trước hết phải quan tâm rà soát và thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải cách chính sách theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước để siết chặt kỷ luật trách nhiệm, đưa doanh nghiệp vào một trật tự hoạt động mới.

“Quan điểm của tỉnh là chú trọng đến chất lượng thay vì số lượng dự án. Như vậy, để thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng tốt, hoạt động hiệu quả, tỉnh đặc biệt chú trọng đến khâu chọn lọc dự án, lựa chọn nhà đầu tư. Tỉnh đã từ chối và “nói không” với nhiều dự án thiếu chất lượng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn. Song, lại chào đón những dự án có công nghệ tốt, tuân thủ pháp luật và chủ trương, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Dự án phải đảm bảo vừa khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh vừa nâng cao đời sống của người nông dân Hậu Giang lên một tầm cao mới”, ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết.

Bài, ảnh: ĐĂNG TÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>