Doanh nghiệp - doanh nhân cùng Hậu Giang phát triển

13/10/2017 | 08:26 GMT+7

Qua hơn 13 năm phát triển, lĩnh vực công nghiệp non trẻ của tỉnh đã thể hiện những bước đi vững vàng. Thành quả trên có được phần nhiều từ sự đóng góp của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là tinh thần thẳng thắn bày tỏ của doanh nhân nặng nghĩa tình với đất Hậu Giang.

Qua hơn 13 năm phát triển, lĩnh vực công nghiệp non trẻ của tỉnh đã thể hiện những bước đi vững vàng.

Mở lối đi trong vạn khó khăn

Có thể nói năm 2017 là mốc son đánh dấu cho sự trở lại của Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang (Vinalines Hậu Giang) - Khu công nghiệp Sông Hậu. Từ khi thành lập đến nay đã qua 10 năm, công ty phải đối mặt với nhiều thăng trầm, trở ngại mới tìm ra hướng phát triển để trưởng thành, lớn mạnh và thực sự đã khẳng định được thương hiệu trong ngành logistics.

Nhớ lại quãng thời gian từ năm 2010-2014, ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty Vinalines Hậu Giang, trầm tư: “Tôi cũng là người con của đất Hậu Giang, ngay từ đầu tôi đã quyết tâm gắn bó dù biết sẽ gặp nhiều thử thách khi tiếp nhận công việc. Giai đoạn này có thể nói là vô cùng vất vả, từ một công ty có 100 công nhân viên phải cắt giảm xuống còn 14 người mà một nửa là nhân viên bảo vệ. Mọi hoạt động dường như chỉ cầm chừng. Khổ nhất là lúc tới tháng điện lực gửi hóa đơn nhưng không có tiền đóng hay gửi báo cáo, photo phải chạy lên thành phố Cần Thơ nhờ công ty khác hỗ trợ. Có năm, thưởng tết của mỗi người kể cả tôi chỉ được 100.000 đồng. Thế nhưng, mọi người luôn tin tưởng và kỳ vọng sẽ có sự thay đổi trong tương lai. Có được thành công hôm nay chính là do anh em trong công ty biết đoàn kết, tự động viên nhau, chia sẻ nhau từng gói mì, chỗ nghỉ trưa”.

Cho dù còn phải tiếp tục đối diện với những khó khăn từ thị trường đến dòng tiền hoạt động nhưng Vinalines Hậu Giang đã dần có những chiến lược rõ ràng, dài hơi. Bởi, thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL nói chung và của tỉnh nói riêng đang rất sôi động. Cụ thể là công ty đã chính thức đưa vào khai thác thương mại Cầu cảng số 1, mở rộng quan hệ với 30 đối tác, đồng thời xây dựng đề án Trung tâm Logistics Hậu Giang nhằm kết nối các dịch vụ logistic với khai thác cảng biển, phục vụ cho nhu cầu phân phối, xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu vực...

Công việc, sự nghiệp đang trên đà phát triển nhưng quyết định rẽ lối về Hậu Giang thành lập công ty may mặc của ông Phạm Quang Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần May Nhật Thành, huyện Châu Thành A, được đồng nghiệp đánh giá là khá mạo hiểm. Bởi, nếu không thành công sẽ đánh đổi thời gian và công sức. Nhưng theo ông Nam, đây mới chính là sự khởi đầu cho con đường khởi nghiệp. “Tôi muốn tạo ra sự đột phá cho bản thân và làm được một việc tốt cho quê hương của mình. Tôi nhận ra rằng, Hậu Giang dù là tỉnh nghèo nhưng có rất nhiều tiềm năng khai thác. Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất là chính sách mở cửa của tỉnh rất tốt, lực lượng lao động trẻ dồi dào, cơ sở hạ tầng mới xây dựng - yếu tố cần thiết cho doanh nghiệp về lập nghiệp”, ông Nam bộc bạch. 

Trăn trở chính sách - tiền lương

Từ thực tế 3 năm gần đây, cộng đồng DN nhận thấy tâm huyết của lãnh đạo tỉnh trong việc hỗ trợ và cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, những hạn chế cần tìm kiếm giải pháp gỡ khó, hỗ trợ lên một vị trí xứng tầm hơn. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng rất nhiều vào động thái quyết liệt của các sở, ngành để có một kết quả “sáng” hơn.

Ông Chu Văn An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, cho rằng: “Là người đứng đầu một đơn vị, tôi trăn trở làm sao tạo dựng môi trường làm việc có hiệu quả, doanh nghiệp khai thác được hết công suất và các nguồn lực... DN muốn phát triển bền vững thì mục đích cuối cùng phải đảm bảo lợi nhuận và cuộc sống của người lao động trên hai khía cạnh vật chất và đời sống tinh thần. Trong những năm qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ đã minh chứng cho điều đó”.

Thực tế, các DN sử dụng nhiều lao động như chế biến thủy sản, da giầy, dệt may... phải đối mặt với chi phí lao động tăng cao, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hàng năm, lương tối thiểu vùng đều tăng làm tăng thêm chi phí đóng các khoản bảo hiểm và phí công đoàn. Trong thực tế, các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu vùng từ 50-100%. Cụ thể như Công ty Minh Phú - Hậu Giang trả lương hàng tháng cho người lao động trên 6 triệu đồng/người/tháng. Mặt khác, người lao động trong ngành chế biến thủy sản hầu như hàng năm không có nghỉ hưu. Nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải giảm các khoản lương mềm và tăng tự động hóa để giảm lao động, mới có thể cạnh tranh được. “Trên thực tế việc tăng lương tối thiểu vùng còn làm giảm thu nhập của người lao động (phải đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn) không giúp nâng cao đời sống người lao động do khi lương tăng sẽ kéo theo tăng giá các sản phẩm thiết yếu: gạo, thịt, cá, rau... nhà trọ, dẫn đến tăng chi phí trong đời sống. Hơn nữa, tăng lương tối thiểu vùng không khuyến khích người lao động làm việc tích cực vì đến nhà máy cho đủ giờ nhưng vẫn được hưởng mức lương quy định”, ông Chu Văn An phân tích.

Hiện nay, những DN trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ dễ bị tổn thương do kỹ năng lãnh đạo, điều hành của DN còn hạn chế. Đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp chưa đủ sức công phá thị trường nội địa. Sau 2 năm chèo lái công ty, ông Võ Minh Hải Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hải Thanh, Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, cho rằng hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa như Hải Thanh còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh như tiếp cận mặt bằng, nguồn vốn vay tín dụng, trình độ quản trị... Thực tế trong thời gian qua, Quốc hội có ban hành một số nghị định về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng khi đi vào thực tiễn đã có những bất cập. Một số chính sách còn mang tính khuyến khích và chung chung, chưa có quy định hỗ trợ rõ ràng và kết quả hỗ trợ còn hạn chế. Nếu không tạo điều kiện thì các doanh nghiệp này không bao giờ lớn được. Ngoài ra, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để những DN nhỏ “định vị” được bản thân mình, để từ đó có thể phát triển lớn mạnh hơn.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng tỉnh cần tổ chức họp mặt doanh nhân ngày 13-10 để doanh nhân có dịp cùng lãnh đạo tỉnh tâm tình, đưa ý kiến, báo cáo các kết quả đạt được. Đây mới chính là mối liên hệ chặt chẽ, gắn kết tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp.

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>