Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

05/04/2021 | 07:33 GMT+7

Hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh tới đây sẽ đổi mới phù hợp với tình hình và kết hợp đa dạng hình thức để hỗ trợ tốt các hợp tác xã (HTX), cơ sở, doanh nghiệp giao thương và tiêu thụ sản phẩm của Hậu Giang, nhất là các sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước và xa hơn là xuất khẩu.

Doanh nghiệp chế biến cá thát lát tại Hậu Giang kết nối giao thương với doanh nghiệp phân phối tại Hà Nội vào tháng 3 vừa qua.

Nhiều kết quả tích cực

Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trong tỉnh chủ yếu thời gian qua là tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị trong tỉnh và tham gia sự kiện tương tự tổ chức ở ngoài tỉnh để hỗ trợ các HTX, cơ sở, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh. Mặt khác thông qua các hoạt động này, doanh nghiệp có dịp nghiên cứu thị trường phục vụ cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong tương lai.

 Giữa tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH nuôi trồng, chế biến thực phẩm sạch Tân Phát đã ký kết được hợp đồng quan trọng, cung ứng các sản phẩm chế biến từ cá thát lát Hậu Giang cho một công ty thực phẩm và nông sản tại Hà Nội. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Công ty nuôi trồng, chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, cho biết: Đây được xem là kết quả ban đầu của quá trình kết nối, nghiên cứu thị trường. Trước đây, tuy công ty cũng đã bán sản phẩm ở thành phố Hà Nội nhưng số lượng mỗi tháng chưa nhiều, chi phí gửi hàng hóa nhỏ lẻ khá cao. Đối tác mới sẽ ký hợp đồng cung ứng khoảng 2 tấn/tháng. Dự kiến sản lượng cung ứng sẽ tăng hơn gấp đôi khi mở rộng mạng lưới ra các tỉnh lân cận. Với khối lượng lớn, hàng hóa chuyển sang vận chuyển bằng xe đông lạnh để đảm bảo chất lượng, hương vị của cá thát lát mà chi phí cũng giảm đáng kể.

Bên cạnh kết nối để sản phẩm đến đúng thị trường, đáp ứng đúng nhu cầu, bản thân các cơ sở có đầu tư bài bản, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, chứng nhận OCOP, VietGAP, GlobalGAP… sẽ rút ngắn đáng kể thời gian “chinh phục thị trường” và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, nhận định: Thời gian qua, ngành công thương tỉnh chủ trì tổ chức gặp gỡ giữa 3 bên là HTX, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Cách làm việc trực tiếp tháo gỡ ngay vướng mắc mà trước đây người trồng còn bỏ ngỏ. Thêm nữa là HTX đã xây dựng được vùng trồng đạt chuẩn GlobalGAP khoảng 60ha các loại trái cây như bưởi, mít, chanh không hạt. Hội đủ các điều kiện nên chỉ trong 1-2 tuần sau kết nối là sản phẩm đã lên kệ siêu thị.

Ông Hồ Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, cho biết: So với trước đây, các cơ sở đã hưởng ứng và tham gia các hoạt động hăng hái hơn, nhất là sự kiện ngoài tỉnh. Thông qua đó, các cơ sở trong tỉnh đã ký kết trên 42 hợp đồng, biên bản ghi nhớ, hợp tác với nhiều doanh nghiệp và đại lý các tỉnh, thành phố trên cả nước. Khoảng 5 đơn vị doanh nghiệp đã ký hợp tác với các siêu thị và cửa hàng tiện ích trên cả nước.

Các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung tìm kiếm thị trường cho sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Phù hợp với tình hình mới

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động XTTM hiện nay còn gặp khó khăn nhất định. Một số doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia, nguồn lực dành cho các hoạt động xúc tiến còn hạn chế. Hoạt động XTTM triển khai rộng khắp, tuy nhiên chưa kết nối mạnh mẽ và có tính lan tỏa, chưa đa dạng nhiều hình thức… Đây cũng là rào cản khiến XTTM chưa đạt kết quả cao như kỳ vọng. 

Theo Sở Công thương tỉnh, trong điều kiện hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người thì các mô hình kết nối giao thương quy mô nhỏ tổ chức tập trung giữa một số tỉnh, thành phố lớn, kết nối các đối tác chiến lược như các trung tâm thương mại, siêu thị và hệ thống phân phối hàng hóa lớn được chú trọng. Đơn vị cũng khuyến khích các cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, XTTM trên môi trường thương mại điện tử, kết hợp linh hoạt hình thức trực tuyến và trực tiếp để tiếp cận đối tác hiệu quả ngay tại địa phương. Ngoài ra để nâng cao công tác này, ngoài trợ lực từ Nhà nước, các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần đồng hành cùng phát triển, chủ động hơn trong tìm kiếm cơ hội và nắm bắt thị trường.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết: 3 tháng đầu năm 2021 ngoài chủ động tổ chức các chương trình phù hợp khi được phép hoạt động, ngành công thương tỉnh vừa ký kết hợp tác với thành phố Cần Thơ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hỗ trợ điểm giới thiệu sản phẩm giữa 2 địa phương. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp triển khai trưng bày và quảng bá sản phẩm tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và đã thu hút 9 đơn vị với nhiều sản phẩm được công nhận OCOP tham gia và dự kiến sẽ khai trương trong tháng 4. Mặt khác, sẽ tăng cường hợp tác tại các thị trường trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn có sức tiêu dùng mạnh để duy trì, mở rộng trưng bày sản phẩm của tỉnh. Hoạt động này phù hợp với tình hình thực tế và hình thành mạng lưới phân phối, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP.

Vừa qua, UBND tỉnh cũng phê duyệt chương trình Xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hàng năm hỗ trợ khoảng 90 lượt doanh nghiệp mở rộng thị trường, tham gia hội nghị kết nối cung - cầu và giao thương, xúc tiến thương mại ở các vùng miền. Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực của doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế cho doanh nghiệp trong tỉnh.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>