Đổi thay nhờ nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa

27/12/2017 | 08:13 GMT+7

Nhờ nâng cao năng suất, chất lượng mà sản phẩm cá thát lát tẩm gia vị của cơ sở quán Tân Hậu Giang, phường V, thành phố Vị Thanh, ngày càng nổi tiếng và được tin tưởng trên thị trường.

Sản phẩm cá thát lát của cơ sở quán Tân Hậu Giang được hỗ trợ chi phí xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm HACCP.

Đó là một trong những tín hiệu vui mà dự án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang” (dự án) đem đến trong năm 2017. Nhiều mặt hàng, sản phẩm hàng hóa khác của doanh nghiệp được nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất ổn định. Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, dự án đã hỗ trợ cho 7 lượt doanh nghiệp. Đó là Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) đăng ký “Xây dựng và áp dụng hệ thống an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn FSSC 22000”; cơ sở quán Tân Hậu Giang đang đăng ký “Xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm HACCP cho sản phẩm cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát tươi, cá lóc nan tẩm gia vị, khô cá lóc”; Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Gia Đạt đăng ký “Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001:2015”; Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh, thành phố Vị Thanh và Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Trung, huyện Châu Thành A được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận chuẩn VietGAP cho vùng sản xuất khóm và lúa… Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp tham gia dự án trong giai đoạn hơn 1,03 tỉ đồng.

Trước đó, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TC-ĐL-CL) - Tổ giúp việc của dự án đã gửi văn bản tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia đến 12 công ty, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Song song đó, tiến hành khảo sát tại 6 doanh nghiệp có đăng ký tham gia dự án. Qua đó, đánh giá tình hình năng suất, chất lượng, trình độ quản lý khoa học công nghệ, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp này. Từ đó, chọn ra doanh nghiệp đủ điều kiện để hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng. Sau khi khảo sát, các cơ sở đã được chọn và tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết.

Như cơ sở quán Tân Hậu Giang nổi tiếng với sản phẩm cá thát lát tẩm gia vị nhiều nam nay. Vì vậy, doanh nghiệp không chỉ mong muốn sản phẩm ngày càng được nổi danh mà còn nâng cao hơn về chất lượng. Khi được thông báo về dự án, cơ sở sẵn sàng chi ra số tiền hơn 100 triệu đồng để tham gia. Bà Nguyễn Thị Hà (thường gọi cô Lệ), chủ cơ sở quán Tân Hậu Giang, chia sẻ: Cơ sở đã đăng ký xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm HACCP cho sản phẩm cá thát lát tẩm gia vị, chả cá thát lát tươi, cá lóc nan tẩm gia vị, khô cá lóc. Dù số tiền để được công nhận Hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm HACCP là không nhỏ, nhưng cơ sở vẫn chấp nhận vì mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đem đến cho người tiêu dùng những món ăn tốt nhất. Quan trọng hơn, cơ sở được dự án chia sẻ gánh nặng chi phí với số tiền 39 triệu đồng/144,5 triệu đồng của tổng chi phí đào tạo tư vấn, đánh giá chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm HACCP của cơ sở (dự án NSCL hỗ trợ 30% chi phí cho cơ sở nhưng mức hỗ trợ không quá 39 triệu đồng).

Sau khi đăng ký, cơ sở đã mạnh dạn quảng bá tại nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí được chào đón và ủng hộ nồng nhiệt từ người dân Hà Nội. Đặc biệt hơn, hiện nay sản phẩm cá thát lát quán Tân Hậu Giang đã có các đại lý ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở còn vinh dự nhận giải thưởng Doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng tiêu biểu khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức.

Thực hiện dự án, năm 2017, Chi cục TC-ĐL-CL tỉnh còn phối hợp, lồng ghép tổ chức lớp tập huấn về “Đánh giá nội bộ Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2008” “Áp dụng và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008”. Qua đây, có trên 70 lượt cán bộ, công chức của 44 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được nâng cao kiến thức. Đồng thời, Chi cục TC-ĐL-CL tỉnh còn phối hợp với Văn phòng UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn kiến thức về xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 cho bộ phận một cửa, các phòng chuyên môn và thư ký ISO của các huyện, thị, thành trong tỉnh. Dự kiến năm 2018, Chi cục TC-ĐL-CL phối hợp tổ chức đào tạo, hướng dẫn xác định các chủ đề cải tiến năng suất, chất lượng áp dụng tại doanh nghiệp, từ đó đánh giá tính hiệu quả trước và sau dự án.

Phó Chi cục trưởng Chi cục TC-ĐL-CL tỉnh Lý Hùng Phương cho biết: “Nhằm tăng hiệu quả của dự án, những năm tới, chi cục tiếp tục kêu gọi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia. Trong đó, vận động doanh nghiệp nhỏ lẻ thực hiện để không chỉ tăng cường đổi mới công nghệ, gia tăng số lượng sản phẩm mà còn biết quan tâm hơn về nâng cao chất lượng hàng hóa. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa chủ lực của Hậu Giang so với các tỉnh bạn”.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích