Hậu Giang luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

28/09/2017 | 05:12 GMT+7

Với chủ đề: “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển”, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay của tỉnh nhằm xúc tiến thương mại, du lịch, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh tại địa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, ông Lữ Văn Hùng (ảnh), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định:

- Mục đích của Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tiếp cận các dự án trọng điểm, tìm hiểu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư; cũng như tạo điều kiện cho các nhà quản lý, khoa học, đầu tư gặp gỡ, trao đổi về công tác quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, tìm giải pháp phù hợp thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Ngoài ra, tạo điều kiện để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, đặc biệt là mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một trong những lợi thế của Hậu Giang là có nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào. Ảnh: LÝ ANH LAM

Xin ông cho biết cụ thể hơn về mục tiêu và kỳ vọng của tỉnh đối với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 ?

- Mục tiêu và kỳ vọng đối với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 là phải đạt được hiệu quả cao nhất, nghĩa là phải tìm kiếm, mời gọi được nhà đầu tư thích hợp đầu tư vào những dự án mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, phải tạo dấu ấn cho các doanh nghiệp biết đến nhiều hơn về đất và người Hậu Giang. Vì thế, ngay từ khi xây dựng kế hoạch tổ chức, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác chuẩn bị, đề xuất các nội dung thực hiện thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế của Hậu Giang, để hội nghị được diễn ra thành công, hiệu quả.

Nhân hội nghị này, ông có thông tin gì đến với doanh nghiệp về tiềm năng, lợi thế đầu tư tại Hậu Giang ?

- Về vị trí địa lý, tỉnh nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, tiếp giáp các tỉnh, thành phố lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cần Thơ và đây cũng chính là lợi thế rất quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh. Thông qua hội nghị này chúng tôi sẽ thông tin chi tiết về những lợi thế cũng như chính sách ưu đãi của tỉnh cho doanh nghiệp. Cụ thể là thông tin về danh mục dự án kêu gọi đầu tư; các sản phẩm chủ lực, đạt tiêu chuẩn, nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào như lúa, khóm, mía, cây ăn trái có múi.

Mặt khác, địa phương có nguồn lao động dồi dào; suất đầu tư thấp so với một số địa phương lân cận. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thông tin về các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như hỗ trợ về mặt thủ tục, với việc cấp chủ trương đầu tư khoảng 15 ngày; hỗ trợ ưu đãi một số loại thuế… Tất cả điều đó được xem là những tiềm năng và lợi thế cơ bản nhất của Hậu Giang dành cho nhà đầu tư.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế đầu tư đó, Hậu Giang đã và đang đề ra những cơ chế, chính sách cụ thể như thế nào, thưa ông ?

- Tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực hơn trong việc hỗ trợ về mặt bằng, thuế, tìm kiếm lao động, vùng nguyên liệu…, mà tỉnh đã có sẵn. Chẳng hạn như được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới... Do đó, chúng tôi chỉ cần sự quyết tâm, sự đồng lòng của tập thể chính quyền của tỉnh, trên tinh thần là làm, lắng nghe và làm để phục vụ tốt, tạo được lòng tin cho doanh nghiệp. Đây là tiêu chí phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp xuyên suốt trong thời gian qua của Hậu Giang.

Có lẽ nhờ vậy mà tỉnh đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đáng kể là các doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hà Lan, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Malaysia, Canada. Qua đó đã tạo nên 28 dự án FDI, với tổng mức đầu tư đăng ký gần 828 triệu USD.

Thưa ông, địa phương đang muốn doanh nghiệp quan tâm đến các lĩnh vực đầu tư nào về trước mắt, cũng như lâu dài ?

- Hậu Giang chú trọng thu hút đầu tư vào những ngành kinh tế mà tỉnh có nhiều lợi thế như công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, thủy sản, trong đó trọng tâm là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, trồng và chế biến nông sản. Còn lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị sẽ thu hút các dự án khu đô thị sinh thái ven sông, khách sạn, nhà hàng, siêu thị… Ngoài ra, còn có các dự án du lịch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Một số dự án, cụ thể gồm: dự án chế biến gạo xuất khẩu gắn với vùng lúa chất lượng cao; dự án đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang; dự án đầu tư và xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 3; dự án đầu tư và xây dựng kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú và 2 dự án về lĩnh vực khu dân cư thương mại và du lịch.

Cuối cùng, ông muốn nhắn gửi điều gì đối với doanh nghiệp đang có ý định tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hậu Giang ?

- Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, Hậu Giang sẽ không ngừng phát triển, thay đổi để tạo thêm tiềm năng và cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Vì thế, nhiều giải pháp đồng bộ đang được tỉnh triển khai thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, có cơ chế linh hoạt, nhanh gọn, cùng sự đón tiếp nồng hậu, thân thiện đã minh chứng cho quyết tâm xây dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang là điểm đến tin cậy đối với các nhà đầu tư.

Chúng tôi luôn xem doanh nghiệp như người bạn, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Theo đó, Hậu Giang luôn thực hiện nhất quán quan điểm “Ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của doanh nghiệp thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ”. Trên tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp đến với Hậu Giang đầu tư, cùng nhau hợp tác, cùng nhau phát triển.

Trong quá trình phát triển, Hậu Giang đã tích cực phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo quan điểm phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, phát huy những ngành có thế mạnh để vững bước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác, với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã sớm hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất thích hợp, xây dựng chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp; đầu tư hệ thống thủy lợi kết hợp với đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất. Một số sản phẩm nông nghiệp của Hậu Giang hiện nay đã tạo được thương hiệu trên thương trường, như: bưởi Năm Roi, cá thát lát, khóm Cầu Đúc.

 

Cảm ơn ông và xin chúc cho hội nghị thành công tốt đẹp !

GIA NGUYỄN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>