Khó xử lý cây xăng vi phạm

11/08/2017 | 06:36 GMT+7

Dù không đủ tiêu chí về điều kiện kinh doanh, nhưng những cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động trong nhiều năm nay. Thế nhưng việc xử lý còn gặp nhiều trở ngại.

Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu xây dựng sai khác so với quy chuẩn quy hoạch.

Theo Sở Công thương Hậu Giang, toàn tỉnh có gần 200 cửa hàng xăng dầu được cấp phép, trong đó có 170 cửa hàng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có thời hạn 5 năm, kể cả các sà lan trên sông. Còn lại 28 cửa hàng được cấp tạm giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có thời hạn giấy phép 1 năm vì chưa đủ điều kiện cấp phép dài hạn như quy định.

Nhiều cây xăng chưa đủ điều kiện hoạt động

Tại Công văn số 2101 của UBND tỉnh Hậu Giang vào tháng 12-2015 về phương án xử lý các cửa hàng xăng dầu chưa hoàn thành thủ tục, 28 cây xăng trên phân thành 4 nhóm để có cơ sở hướng dẫn, hỗ trợ các hộ kinh doanh. Cụ thể, có 7 cây xăng thuộc diện trong vòng 1 năm phải cải tạo, sửa chữa lại (nhóm 1), 5 cây xăng trong vòng 1 năm phải di dời (nhóm 2), 6 cây xăng trong vòng 2 năm phải sửa chữa, cải tạo (nhóm 3) và 10 cây xăng trong vòng 2 năm buộc phải di dời (nhóm 4). Tuy nhiên, đến nay đã hết hạn hơn 1 năm (đối với nhóm 1 và 2) hoặc gần hết thời hạn quy định (nhóm 3 và 4), nhiều cây xăng vẫn chưa thực hiện đúng quy định. 

Cửa hàng xăng dầu Nam Tiến, tại ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A có chiều ngang 40m, dài 25m, có một mặt thuộc lộ nông thôn và phần cặp bờ sông tiếp giáp kênh xáng Xà No. Cửa hàng do ông Nguyễn Thanh Nam làm chủ đầu tư, được Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Cần Thơ (cũ) thẩm duyệt năm 1998. Hiện, cửa hàng có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có giấy phép xây dựng, toàn bộ mái che, trụ bơm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy (kênh xáng Xà No) và đường bộ. Theo yêu cầu, cây xăng này thuộc diện buộc phải di dời, nhưng kể từ khi có chủ trương đến nay cây xăng vẫn chưa có động tĩnh gì.

Cách đó chưa đầy 1km, cửa hàng xăng dầu Trần Hui, ở ấp 3A, thị trấn Bảy Ngàn cũng nằm trong trường hợp tương tự. Cửa hàng được Phòng Giao thông xây dựng địa chính (tỉnh Cần Thơ cũ) xác nhận xây năm 2003. Cây xăng này hoạt động nhiều năm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đây là đất nghĩa địa. Toàn bộ cửa hàng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy lẫn đường bộ. Điểm kinh doanh này sắp hết hạn kinh doanh theo giấy phép cấp tạm (2 năm). Đại diện cửa hàng Trần Hui cho rằng đây là phần đất gia đình sang lại từ chủ đất cũ và có “giấy tay” (giấy xác nhận do hai bên mua bán tự thỏa thuận - PV). Gia đình đã nộp hồ sơ lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhưng đến nay chưa trả kết quả. Theo quy hoạch của huyện Châu Thành A thì vị trí này được bố trí đất công viên cây xanh. Trong trường hợp buộc phải di dời, cơ sở sẵn sàng tuân thủ và không đòi bồi thường, nhưng trong thời gian Nhà nước chưa xây dựng gì thì các ngành nên tạo điều kiện cho cây xăng tiếp tục hoạt động. 

Xử lý ra sao ?

Ông Nguyễn Văn Thảo, Doanh nghiệp tư nhân Chín Thảo, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Cây xăng nằm cặp mé sông Cái Tư của gia đình tôi được xác định là vướng hành lang sông. Theo quy định, từ vị trí trụ bơm cách bờ sông khoảng 35m nhưng làm đúng quy định thì hệ thống dây kéo rất xa, tỷ lệ hao hụt sẽ rất cao. Còn cây xăng nằm cặp Quốc lộ 61 thì xây không đúng chức năng giấy phép xây dựng. Lúc xây dựng cây xăng này thì vẫn chưa có các quy định chừa mốc lộ giới…, đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng sang đất chuyên dùng. Tôi rất mong các ngành sớm giải quyết để hoàn thành đủ các thủ tục cần thiết”.

Theo ông Nguyễn Quốc Toàn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hậu Giang thì hầu hết 28 cây xăng này đều “có vấn đề”, sai khác so quy chuẩn quy hoạch như nằm trong hành lang lộ giới, hành lang sông hoặc vướng các quy hoạch, thất lạc hồ sơ nhiều năm nên không thể trích lục lại… Những tồn tại vướng mắc hiện nay là do lịch sử để lại. Bởi có những cây xăng xây dựng từ trước khi thành lập tỉnh hoặc trước thời điểm có quy hoạch. Do nhu cầu phát triển mở rộng đường bộ, đường sông nên doanh nghiệp vướng hành lang lộ giới. Một số cửa hàng xây dựng trên phần đất không đúng theo quy định nhưng có thể cải tạo, không ảnh hưởng nhiều đến giao thông của địa phương.

Theo Sở Công thương tỉnh, trong quá trình thực hiện Công văn 2101 của UBND tỉnh, đã có 19/28 cây xăng nộp hồ sơ đề nghị khảo sát. Thực tế, sau khi khảo sát lại phát sinh thêm nhiều trường hợp là một số cây xăng có đất để di dời nhưng vị trí không phù hợp hoặc vướng thủ tục đấu nối vào các tuyến quốc lộ, số khác không có chỗ di dời. Như vậy, phương án xử lý đối với trường hợp có địa điểm di dời nhưng không phù hợp quy hoạch thì doanh nghiệp tiếp tục tìm vị trí khác, đồng thời tỉnh tạo điều kiện cho cây xăng tồn tại cho đến khi dự án triển khai quy hoạch, tuy nhiên khi tháo dỡ sẽ không bồi thường thiệt hại. Còn trường hợp thuộc diện cải tạo, sửa chữa dính đến các tuyến đường do Trung ương quản lý, Sở Công thương đề nghị doanh nghiệp làm theo quy định. Riêng phần đấu nối vào quốc lộ thì kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương lập quy hoạch để thỏa thuận với Bộ Giao thông Vận tải.

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>