Lo giá cả hàng hóa tăng

15/05/2018 | 08:31 GMT+7

Hậu Giang thuộc nhóm có chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất cả nước, tuy nhiên đứng trước áp lực giá xăng, điện tăng khó tránh khỏi hàng hóa “té nước theo mưa”. Không chỉ người dân thiệt thòi mà ngay cả tiểu thương cũng gặp nhiều khó khăn.

Giá tiêu dùng luôn nhảy múa khi điện, xăng, thậm chí là mức lương cơ bản tăng.

Giá cả ồ ạt tăng

Anh Lê Văn Út, nhà ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy gắn bó với chiếc xe ba gác đã gần 5 năm nay. Mỗi chuyến chở hàng, anh có thể thu về từ 200.000-500.000 đồng tùy vào địa điểm xa hay gần. Tuy vậy, không phải ngày nào cũng có “mối” vận chuyển. “Tiền lời cho mỗi chuyến khá cao nhưng đôi khi cả tuần mới nhận được một chuyến, do vậy thu nhập hàng tháng cũng tầm vài ba triệu đồng. Mấy ngày gần đây, tiền xăng tăng nên tiền lời không còn nhiều. Rồi cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày chắc sẽ eo hẹp”, anh Út chia sẻ.

Nỗi lo của anh Lê Văn Út cũng là nỗi lo chung của gần chục người chuyên chở thuê ở thành phố Vị Thanh và nhóm lao động có mức thu nhập thấp. Giá xăng tăng vừa qua tiếp tục làm người dân quan ngại, bởi nhiều khả năng giá cả hàng hóa sẽ bước vào đợt tăng ngay khi sức mua từ thị trường ở giai đoạn thấp điểm. Theo Sở Tài chính tỉnh, chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm biến động theo chiều hướng tăng. Dù chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh vẫn ở mức thấp trong khu vực nhưng giá thấp chủ yếu phụ thuộc vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm và nông sản các loại. Trong khi đó, cuộc sống người dân còn phụ thuộc thêm vào các khoản chi trả đã có niêm yết cố định và không khác các địa phương trong cả nước như dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, bưu chính viễn thông, giáo dục...

Giá tiêu dùng hiện đang gặp nhiều tác động như điện, xăng, thậm chí là mức lương cơ bản tăng. Đặc biệt, xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống hàng ngày. Theo đó, ngoài việc làm đội lên chi phí đi lại hàng tháng, người dân còn lo giá cả các mặt hàng khác cũng “ăn theo” việc tăng giá xăng, điện, lương. Vì các mặt hàng này tăng sẽ kéo theo hàng loạt mặt hàng ở nhóm có mức rẻ như lương thực, thực phẩm, ăn uống, may mặc, đồ dùng thiết yếu tăng lên. Việc giá cả tăng đã từng khiến cho người dân lo lắng và phải tính toán, thắt chặt chi tiêu của mình.

Lo chợ ế

Bước vào mùa mưa cũng là thời điểm sức mua tại các chợ có sự sụt giảm đáng kể. Mặt khác, không quá khó khăn gì khi người đi chợ có thể mua lẻ một mớ rau xanh, vài trái cà chua mà chẳng cần ra tận chợ. Chính vì vậy, không ít tiểu thương buôn bán ở chợ sợ hàng bán chậm, ế ẩm đã phải chuyển sang hình thức bán nhanh, bán vội cho người dân.

Ghi nhận tại một số chợ cho thấy, sản lượng nông sản về chợ vẫn ổn định so với cuối tháng 4. Giá cả có xu hướng giảm nhẹ vì đang vào mùa thu hoạch một số loại trái cây, rau củ. Mặt khác, thông tin giá xăng tăng chưa ảnh hưởng nhiều đến giá cả hàng nông sản tại chợ, tuy nhiên lượng tiêu thụ thực phẩm tại các chợ cho thấy đang có xu hướng chững lại và khó bán. Theo các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ Vị Thanh, mặc dù hàng bán lẻ còn thấp gần với giá bán buôn thì cũng phải bán để thu hồi vốn vì không thể để hàng tồn nhiều ngày. Nhiều tiểu thương tỏ ra lo lắng bởi tình hình mua bán ế ẩm, việc tăng giá theo xăng sẽ khiến sức mua thêm chậm.

Tình hình buôn bán chậm nên chị Ngô Thị Minh Thư cũng như các đầu mối chuyên bán buôn ở chợ Vị Thanh tỏ ra rất lo lắng. Chị Thư cho biết, mọi năm lúc này là các tiểu thương quanh địa bàn giảm lượng hàng trong kho nhờ số đơn hàng mua sỉ, vậy mà năm nay nhà chị vẫn đang tồn một nửa kho. Nhiều chủ sạp bán buôn thời gian gần đây bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ lẻ chậm hẳn, số lượng hàng giảm đáng kể. “Bình thường một ngày họ lấy 10 phần thì nay số lượng hàng thực phẩm họ lấy giảm xuống còn 5-6 phần. May mà không phải mặt hàng dễ hỏng, bán thêm vài tháng nữa chưa đến nỗi lỗ. Tuy nhiên, vài bữa nữa nếu mặt hàng này tiếp tục bán chậm lại phải mua thêm loại khác để phong phú chủng loại. Sau kỳ nghỉ lễ đến nay sức mua chững lại, hàng tồn nhiều không bung ra được dễ bị hỏng, còn bán rẻ quá không có lời. Bây giờ ôm hàng vào thêm thì bên cung cấp sẽ báo giá mới. Cứ tăng giá lên mãi thành ra không cạnh tranh được với tiểu thương khác. Nếu vậy, đường nào cũng gặp khó”, chị Thư tính toán.

Giá tăng cũng có lý do từ việc tiểu thương tự ý tăng giá nhưng với nguồn hàng dồi dào và nhu cầu buôn bán phát triển ở khắp nơi thì người dân không đi chợ vẫn mua được hàng. “Mỗi tiểu thương ở chợ còn gánh nhiều thuế, phí khác nhau như tiền thuê lô sạp, tiền thuế, điện, nước, phí chi trả cho bảo vệ… trong khi cũng một tiểu thương khác buôn bán tại nhà thì chi phí phát sinh sẽ thấp hơn. Khi đó họ bán giá thấp hơn một chút hoặc bằng giá chợ vẫn có lời”, ông Giang Văn Tân, tiểu thương hàng thủy sản tươi sống tại chợ Trà Lồng, phân tích.

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>