Lo giá cả hàng hóa tăng

16/05/2019 | 05:53 GMT+7

Giá điện, xăng cùng tăng trong thời gian qua đặt thêm “gánh nặng” lên cả người tiêu dùng và những hộ sản xuất, kinh doanh.

Người tiêu dùng lo ngại giá cả hàng hóa tăng sau các đợt điều chỉnh giá xăng, giá điện. 

Những đợt tăng giá đã ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của các tiểu thương tại chợ. Ghi nhận ở một số chợ trên địa bàn tỉnh, giá cả tuy không tăng đột biến, nhưng xu hướng buôn bán và tiêu dùng đã có sự thay đổi. Bà Lê Thị Kiều Oanh, tiểu thương chợ Vị Thanh, cho biết: Mấy tuần nay, giá đầu vào của một số loại rau, củ bắt đầu tăng nhẹ. Nếu không tăng giá bán thì khó có lời, còn tăng giá lên ngay thì khách hàng sẽ “ngán” mua. Nên trước mắt là loại nào giá ổn định thì vẫn duy trì, loại nào giá cao thì lấy ít hàng lại. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng vừa qua cũng làm ảnh hưởng đến năng suất một số loại nông sản, nguồn cung thiếu nên giá cũng tăng. Như hành lá giá lên đến 50.000 đồng/kg. Nhiều khi khách hàng phàn nàn nhưng người bán cũng khó mà cho không như trước. Còn tại sạp rau của bà Trần Thị Bé Sáu, chợ Hội Đồng, huyện Vị Thủy, mấy hôm nay xà lách xoong hay tần ô “vắng mặt” thường xuyên. Theo bà Sáu, xà lách xoong có giá khá cao, một bó 10.000-12.000 đồng (200 gram) nên người mua cũng dè dặt. Nếu có cũng lấy 3-4 bó, không bằng một nửa so với trước.

Đang chọn mua thực phẩm, chị Hồ Thị Mỹ Linh, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cũng không khỏi băn khoăn. Các loại thực phẩm thường ngày nhà vẫn ưa dùng thì giá đều nhích lên. Dưa leo lúc trước chỉ 7.000-8.000 đồng/kg thì giờ trên 10.000 đồng/kg. Cà chua 35.000 đồng/kg, đậu bắp 15.000 đồng, tăng khoảng 2.000 đồng/kg… Mỗi thứ lên một ít nên tính riêng tiền rau mỗi tuần chị phải chi thêm 20.000-30.000 đồng. Tính sao cho bữa cơm đầy đủ chất mà vẫn tiết kiệm là bài toán khó không chỉ cho chị Linh mà nhiều người nội trợ khác.

Còn các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cũng gặp khó khi chi phí xăng, dầu, điện chiếm tỷ lệ khá lớn trong cấu thành giá sản xuất. Ông Lê Văn Nam, Công ty TNHH MTV Hồng Gấm, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, kinh doanh vật liệu xây dựng, chia sẻ: Hiện nay, giá cát, đá các loại từ đầu vào đã tăng khoảng 10.000-20.000/m3, còn chi phí chuyên chở bằng xà lan cũng tăng 10.000/m3 vật liệu. Tuy vậy, công ty cũng như một số doanh nghiệp cùng lĩnh vực ở lân cận chưa dám tăng giá bán ra ngay vì sợ ảnh hưởng đến sức mua. “Công ty cũng phải tìm kiếm nhiều giải pháp khác để giảm các chi phí. Dự định sắp tới tôi sẽ thay mới một số máy móc và bảo trì máy cũ để hoạt động hiệu quả và tiết kiệm năng lượng hơn, tự động hóa một số khâu để giảm chi phí nhân công”, ông Nam cho biết thêm.

Không chỉ hộ kinh doanh, buôn bán mà những người nông dân cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi giá điện tăng. Trước đây, ông Võ Văn Rô, ở ấp Khánh Hội B, xã Phú An, huyện Châu Thành, sử dụng máy bơm chạy dầu để bơm nước tưới vườn cây, sau đó ông đã thay bằng bơm điện để tiết kiệm chi phí. Tuy vậy, tiền điện tháng 3 vừa qua là trên 300.000 đồng, đã cao hơn so với vài tháng trước. Sắp tới số tiền này sẽ tăng, nhưng phải đợi hóa đơn điện tháng 4 mới chắc chắn được. “Sợ là giá cả các loại vật tư nông nghiệp sẽ tăng theo làm chi phí cả vụ đội lên chứ không riêng gì tiền điện. Gia đình tôi có sử dụng một số đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng trong nhà, kho và ngoài vườn. Hiện, tôi đang cân nhắc lắp thêm các đèn loại này thay thế đèn bình thường để đỡ phần nào chi phí”, ông Rô cho biết thêm.

Việc hàng hóa tiêu dùng rục rịch tăng giá sau khi giá xăng, điện tăng đòi hỏi cơ quan quản lý cần có giải pháp để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng để đầu cơ, tăng giá không hợp lý, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Mặt khác cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đẩy mạnh phân phối hàng hóa để tạo nguồn cung dồi dào, góp phần ổn định giá cả, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại để tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí sản xuất.

Theo báo cáo của ngành chức năng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2019 tăng 0,31% so với tháng 3. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất là 4,29%. Các nhóm hàng may mặc, giày dép, đồ uống, nhà ở, vật liệu xây dựng, thiết bị đồ dùng gia đình có mức tăng từ 0,06-0,11%...

 

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>