Lo giá hàng hóa tăng

07/09/2017 | 07:38 GMT+7

Người tiêu dùng đang trong tình trạng đón sự tăng giá hàng loạt các thứ. Đi sau mức lương cơ bản tăng là sự thiếu ổn định của giá xăng, điện, thuế... từ đó kéo theo các mặt hàng thiết yếu cũng nhấp nhổm tăng. 

Nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ đón đợt tăng giá mới.

Hễ mua là chịu thuế

Gặp chị Võ Tú Anh tại Siêu thị Co.opMart Vị Thanh, tay xách lỉnh kỉnh giỏ đựng hàng hóa nhưng chị không khỏi lo lắng: “Mấy tháng trước, tôi nghe tin sẽ tăng giá điện còn hơn tuần nay báo, đài liên tục đưa tin tăng thuế. Nếu vậy thì gánh nặng chi tiêu sẽ càng tăng không riêng gì gia đình tôi. Lương trung bình của vợ chồng cộng lại chỉ hơn 7 triệu đồng. Trong số đó có biết bao thứ chờ trả, chúng tôi loay hoay mãi mới có dư dả. Nếu chi phí tăng nữa thì cuộc sống khó khăn lắm. Tiền điện, tiền mua các đồ dùng thiết yếu rồi khám bệnh… đều là những khoản bắt buộc phải chi. Mua đồ có thể né chỗ bán mắc, chọn hàng thay thế rẻ hơn chứ thuế tăng thì né được chỗ nào bây giờ”.

Thời gian qua, có thể thấy điện, xăng dầu dồn dập tăng giá dẫn đến một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá theo khiến sức mua hạn chế. Hậu quả là tình trạng đình trệ sản xuất, hàng tồn kho tăng cao diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp. Mức lương cơ bản vừa tăng hồi tháng 7-2017 đã kéo theo nhiều loại hàng hóa “té nước theo lương”. Nhiều người cho biết khi lương tăng, tiểu thương và doanh nghiệp lấy cớ để nâng giá hàng hóa lên cao, vì thế mức tăng lương của cán bộ công nhân viên chỉ là bù vào tăng giá.

Lần này, những thông tin về điện, thuế tăng càng làm người dân lo lắng bội phần. Nhất là năm 2019, thuế VAT có khả năng tăng từ 10 lên 12%. Thuế VAT được áp dụng lên rất nhiều hàng hóa, dịch vụ mà hàng ngày mọi người sử dụng, từ ăn uống, học hành, chữa bệnh, du lịch, giải trí, đi lại... nên được coi là loại thuế tiêu dùng. Đây là loại thuế mà khó ai tránh được, hễ mua hàng là chịu thuế. Điều này đồng nghĩa là cùng một lúc các mặt hàng thiết yếu đều nhấp nhổm chờ tăng. Kịch bản này diễn ra sẽ khiến người dân, nhất là người lao động thu nhập thấp oằn lưng “cõng” thuế, phí. Do đó, nỗi lo của người dân hoàn toàn có cơ sở.

Cân nhắc bài toán chi tiêu

Biết tin thuế VAT sắp tới sẽ tăng, chị Trần Thị Diệu Mi, ở thành phố Vị Thanh nhẩm tính mỗi tháng chi tiêu trong gia đình chị sẽ tăng đáng kể vì tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa thiết yếu. Cầm trên tay hóa đơn tiền điện, hóa đơn mua hàng, chị Mi phân tích: “Tiền mua đồ dùng trong hóa đơn này gần 1,5 triệu đồng, trong số này đã bao gồm 10% thuế VAT mà chúng tôi phải trả. Nếu càng mua nhiều thì thuế càng nặng. Giả sử năm tới giá điện sẽ tăng tiếp, rồi hàng hóa, dịch vụ hùa tăng theo vậy người dân sẽ chi tiêu và sống như thế nào với đồng lương công chức vốn đã thiếu hụt. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế, ngành điện được bù lỗ giá, còn chúng tôi có cách nào khác ngoài tiết giảm chi tiêu?”.

Việc tăng giá hàng hóa luôn là bài toán đau đầu trong việc chi tiêu hàng ngày đối với nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp. Lương tháng của chị Phan Thị Ngọc Nhan, công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh đạt mức 3,6 triệu đồng/tháng. Làm việc ở công ty kiếm được chừng đó tiền mà hàng hóa cứ tăng khiến việc chi tiêu hàng ngày trong gia đình chị ngày càng trở nên khó khăn. “Mấy tháng nay, chúng tôi được tăng lương cơ sở rồi tăng thưởng. Gia đình quyết định để dành tiền mua nhà ở thu nhập thấp gần khu công nghiệp bằng cách tiết giảm chi tiêu bản thân, bỏ một số thói quen lãng phí. Cuộc sống đang gọi là tạm ổn nên không ai muốn bị đảo lộn”, chị Nhan cho biết.

Đối với các doanh nghiệp, nếu bị tăng thuế thì phương án kinh doanh sẽ bị thay đổi do chi phí, giá cả tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Ngoài việc này, bản thân doanh nghiệp còn phải cân nhắc tăng chiết khấu cho nhà phân phối để sản phẩm ra thị trường. Hàng hóa tăng giá thì người dân sẽ thắt lưng buộc bụng, chi tiêu ít hơn, phần lớn tiền phải dùng cho chi tiêu thiết yếu. Ngược lại, phương án này khiến doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận giảm nên nộp thuế cũng giảm theo.

Điều dễ nhận thấy là sự thiếu ổn định của thị trường sẽ diễn ra đối với các chợ truyền thống, bởi nơi đây sức mua chiếm hơn 70% của thị trường nội tỉnh. Đồng thời, chương trình bình ổn thị trường chỉ tập trung ở hệ thống siêu thị, điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp chứ chưa đến các chợ lẻ. Chính điều này dẫn đến việc người tiêu dùng, nhất là những người lao động có mức thu nhập trung bình, thấp khó tiếp cận được với các chương trình này khi xảy ra tình trạng “bão giá”. Chính vì vậy, nhiều người không khỏi lo lắng giá hàng hóa đắt đỏ như những năm 2010-2011 có thể sẽ tái diễn.

Bài, ảnh: ĐĂNG TÂM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>